Xã hội hóa trong xây dựng giao thông nông thôn khu vực miền núi

Thời gian qua, cùng với xây dựng và nâng cao các tiêu chí NTM, xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, mang tính xã hội hóa cao. Nhiều tuyến đường kết nối vùng sâu, vùng xa với các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ được hình thành, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị.

Nhờ người dân hiến đất, làm đường, tuyến giao thông nội đồng tại thôn Trại Chuối, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch được mở rộng, thuận lợi cho các phương tiện đi qua.

Nhờ người dân hiến đất, làm đường, tuyến giao thông nội đồng tại thôn Trại Chuối, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch được mở rộng, thuận lợi cho các phương tiện đi qua.

Quang Sơn là xã miền núi, thuộc diện vùng sâu, vùng xa của huyện Lập Thạch. Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, toàn xã mới chỉ cứng hóa được 30% giao thông nông thôn, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Diệp Minh Phú cho biết: Khởi điểm xây dựng NTM, xã xác định giao thông là tiêu chí đầu tiên phải hoàn thiện, làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí khác. Do địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, để xây dựng hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, xã hội hóa là phương án duy nhất để hoàn thành tiêu chí này.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trên cơ sở công khai, minh bạch các khoản chi, đóng góp xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn, phong trào xây dựng giao thông nông thôn nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.

Đã có hàng trăm hộ dân tình nguyện hiến đất, làm đường, ủng hộ ngày công lao động; nhờ vậy, hết năm 2019, tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã đạt 100%, tạo động lực phát triển KT - XH.

Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng thôn Trại Chuối, xã Quang Sơn là một trong những hạt nhân tích cực, góp phần đưa phong trào xây dựng GTNT trên địa bàn trở thành phong trào toàn dân, trong đó có việc ông đã vận động gia đình hiến gần 1.000 m2 đất để làm đường giao thông nội đồng.

Chỉ vào con đường dài, rộng, được cứng hóa từ cổng làng vào đến nhà văn hóa, ông Thái cho biết: “Trước đây, con đường này rộng chưa đến 3m, đường gồ ghề, xe máy đi còn khó, ô tô không thể vào được. Nhờ người dân trong thôn hiến đất làm đường, đến nay, con đường đã được mở rộng gần 6 m, 2 ô tô con di chuyển có thể tránh nhau, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giảm đáng kể nguy cơ mất an toàn giao thông”.

Theo thống kê, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đến khi về đích, xã Quang Sơn đã đầu tư 75,6 tỷ đồng xây dựng đường GTNT, trong đó, người dân đóng góp hơn 41.000 m2 đất, gần 3.000 ngày công lao động và 1 tỷ đồng tiền mặt.

Là xã có địa bàn rộng, tỷ lệ đồi núi cao của huyện Sông Lô, năm 2011, bắt tay vào xây dựng NTM với khởi điểm thấp về tiêu chí giao thông, đến nay, Tân Lập đã cứng hóa được hơn 90% đường GTNT, hiện đang hướng tới bộ tiêu chí NTM đạt chuẩn theo vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch UBND xã Lê Trọng Tài cho biết: “Xã còn 3 tiêu chí để đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của Vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Giao thông, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và thu nhập, trong đó, giao thông là tiêu chí phải huy động nhiều nguồn lực nhất. Hiện nay, xã chỉ còn 8 km đường ngõ xóm chưa cứng hóa, hoàn thành xong là đạt tiêu chí này”.

Giai đoạn 2010 – 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho GTNT trên địa bàn xã Tân Lập hơn 30 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 11.500 m2 đất, gần 3.000 ngày công lao động và hơn 60 triệu đồng tiền mặt.

Hướng tới đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của Vùng đồng bằng sông Hồng, xã tích cực vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, dự kiến đến hết năm 2021, tỷ lệ cứng hóa GTNT trên địa bàn xã đạt 100%.

Thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2017 – 2020 và Đề án cứng hóa trục chính giao thông nội đồng giai đoạn 2011 - 2020 của UBND tỉnh, cùng với hỗ trợ theo Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã và đóng góp của người dân, đến nay, tổng số đường GTNT được cứng hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt 4.000 km (94,2%).

Trong đó, đã cứng hóa được 100% đường huyện, 100% đường trục xã, 89% đường trục thôn, ngõ xóm và 80% đường giao thông nội đồng.

Với mục tiêu phát triển giao thông nông thôn gắn với phát triển KT – XH, trên cơ sở “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ một phần”, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí GTNT theo hướng bám sát quy hoạch, đảm bảo chất lượng công trình.

Công khai, minh bạch các khoản chi, đặc biệt là đóng góp của người dân, từ đó huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo tiền đề phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn, miền núi.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64796/xa-hoi-hoa-trong-xay-dung-giao-thong-nong-thon-khu-vuc-mien-nui.html