Xã hội hóa tu bổ đê điều

Không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa để tu bổ, nâng cấp đê điều còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn, bảo vệ phòng tuyến chống lũ.

Thiết thực

Đê hữu sông Thái Bình qua huyện Tứ Kỳ dài 26 km là tuyến đê huyết mạch của địa phương, vừa có nhiệm vụ ngăn lũ, vừa là đường giao thông. Mặc dù là tuyến đê quan trọng nhưng nhiều đoạn mặt đê nhỏ hẹp, làm hạn chế năng lực phòng chống thiên tai cũng như không đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế. Việc cân đối ngân sách để đầu tư tu bổ rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Trước thực tế này, chính quyền và cơ quan quản lý đã kêu gọi, vận động nguồn xã hội hóa để mở rộng mặt đê.

Đoạn đê hữu sông Thái Bình qua xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) được mở rộng bằng nguồn xã hội hóa

Đoạn đê hữu sông Thái Bình qua xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) được mở rộng bằng nguồn xã hội hóa

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Mai là đơn vị đi đầu ủng hộ việc tu bổ tuyến đê trên. Đầu năm 2022, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để ấp trúc 400 m đê và đổ bê tông cơ đê đoạn qua xã Bình Lãng. Mặt đê từ 5 m được mở rộng lên 12 m, thuận lợi cho việc đi lại của người dân và công tác quản lý đê. Ông Vũ Văn Hạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: "Doanh nghiệp ủng hộ không những vì lợi ích chung mà còn mong muốn góp sức để khai thác hiệu quả tuyến đê. Đê hữu sông Thái Bình qua địa bàn Tứ Kỳ song song với đường tỉnh 391, nếu cải tạo, nâng cấp tuyến đê này theo hướng kết hợp đường giao thông sẽ vừa giảm tải cho đường 391, vừa mở ra hướng phát triển mới cho huyện".

Thị xã Kinh Môn là nơi có nhiều tuyến đê địa phương nhất tỉnh. Vì vậy, vốn ngân sách cho tu bổ đê điều trước đây được phân bổ về đây nhiều. Thời gian qua, bố trí vốn thực hiện tu bổ đê điều địa phương bị gián đoạn đã ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng công trình đê điều. Trong khi đó, nhu cầu này là bức thiết khi thiên tai khó lường và đòi hỏi phục vụ hoạt động dân sinh ngày càng cao. Nhất là việc bê tông hóa mặt đê để tạo thuận lợi cho việc hộ đê cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Nhờ nguồn xã hội hóa, từ cuối năm 2021 đến hết tháng 8.2022, hơn 2 km mặt đê hữu sông Đá Vách và sông Kinh Thầy tại thị xã được trải bê tông. Theo ông Phùng Văn Điển, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn, xã hội hóa để tu bổ đê điều là giải pháp thiết thực, hữu hiệu khi nguồn ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, chính quyền và cơ quan chuyên môn luôn tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân chung tay kiên cố hóa đê điều.

Cần nhân rộng

Hệ thống đê điều tại Hải Dương luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp song với chiều dài toàn tuyến lớn, khoảng 370km, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách sẽ rất khó khăn. Hiện nay, vẫn còn nhiều công trình đê điều chưa được đầu tư hoặc đã xuống cấp khiến năng lực phòng chống thiên tai bị hạn chế trong khi đây là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương. Nhất là mặt đê các tuyến trọng điểm của các sông Thái Bình, Kinh Môn, Luộc, Kinh Thầy dù đã được cứng hóa nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng đã bị hư hỏng, cần sớm được sửa chữa. Ngoài ra, tỉnh còn 8 km đê ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn có mặt rất nhỏ và cao trình thấp hơn mực nước thiết kế. Kinh phí hằng năm mà tỉnh bố trí cho đê điều chủ yếu khắc phục những sự cố, còn nguồn vốn dành cho việc nâng cấp toàn hệ thống vẫn là bài toán khó. Đến đầu tháng 9, vì nhiều vướng mắc tỉnh vẫn chưa triển khai kế hoạch tu bổ đê địa phương năm 2022 từ nguồn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Chỉ có một số công trình được xử lý cấp bách song chủ yếu là khắc phục sự cố sạt lở bãi sông. Do đó, huy động nguồn xã hội hóa để tu bổ đê điều là cần thiết và được khuyến khích thực hiện.

Thời gian qua, nhờ linh hoạt trong huy động nguồn vốn tu bổ đê điều mà một số tuyến đê trong tỉnh mang diện mạo mới. Các tổ chức, cá nhân ngoài ủng hộ tiền còn đóng góp ngày công, nhân lực, máy móc, hiến đất để nâng cấp, cải tạo đê. Điều này làm giảm bớt áp lực cho chính quyền các cấp trong việc thực hiện các công trình đê điều vốn cần kinh phí lớn. Mặc dù xã hội hóa tu bổ đê điều là mô hình mới được triển khai nhưng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân vì liên quan tới lợi ích thiết thực. Các đơn vị đã ủng hộ để đầu tư cho hạng mục mở rộng và nâng cấp mặt đê. Từ đầu năm đến ngày 11.9, có gần 3 km đê sông Thái Bình và Kinh Thầy được mở rộng, trải bê tông. Nhiều doanh nghiệp cũng cam kết sẽ đồng hành cùng các địa phương để tu bổ đê điều trong thời gian tới.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, cùng với sự phát triển chung, hệ thống đê điều hiện nay ngoài nhiệm vụ phòng chống lũ còn là mạch giao thông kết nối các địa phương. Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức trong việc cải tạo, nâng cấp và bảo vệ đê điều. Xã hội hóa tu bổ đê điều là chủ trương đúng đắn, nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Giải pháp này cần được nhân rộng, tạo phong trào sâu rộng, trên cơ sở có chọn lọc, bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật về đê điều.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/xa-hoi-hoa-tu-bo-de-dieu-213590