'Xã hội hóa' tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, tin học không phải thu thêm tiền PH
Mỗi địa phương đều phải có trách nhiệm trong việc phát triển, đầu tư cho giáo dục, không nên coi xã hội hóa là việc làm tự phát của các trường.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nêu hướng giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, cụ thể là bên cạnh chỉ tiêu cho phép, địa phương có thể triển khai đa dạng các giải pháp như xã hội hóa môn Ngoại ngữ, Tin học thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng Elearning, mô hình dạy học trực tuyến.
Trước gợi ý của Bộ trưởng, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, và sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân cũng tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập đòi hỏi những nhà quản lý phải cân nhắc để có chính sách phù hợp hơn, và triển khai nhất quán đối với các cấp từ mầm non tới trung học phổ thông.
Xã hội hóa phải dựa vào những nguồn lực đa dạng của xã hội
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: "Bộ trưởng đã gợi ý tức là giải pháp trên có căn cứ để thực hiện. Nhưng khi triển khai xã hội hóa hai môn Tin học và Ngoại ngữ phải dựa trên tình hình cụ thể của từng tỉnh. Bộ cho phép thực hiện nhưng các tỉnh có đủ điều kiện để xã hội hóa hay không? Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, sát sao chỉ đạo của lãnh đạo các cấp địa phương để có những quyết sách và cách triển khai phù hợp với đặc thù mỗi nơi".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, trong trường hợp thiếu giáo viên Tin học và Ngoại ngữ, trường có thể mời những giáo viên bên ngoài về giảng dạy. Tuy nhiên, nhà trường phải được trao quyền tự chủ về quản lý nhân sự. Bên cạnh đó, kế hoạch này cần nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh, đặc biệt phải có sự chỉ đạo, giám sát từ lãnh đạo địa phương.
Sau khi đã thống nhất với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các trường có căn cứ thực hiện xã hội hóa.
Ngoài ra, việc thuê giáo viên ngoài vào trường giảng dạy phải đảm bảo các yếu tố pháp lý trong hợp đồng lao động, thực hiện công khai, minh bạch. Các trường được phép tuyển giáo viên tạm thời khoảng 6 tháng hoặc một năm nhưng nếu giáo viên đó muốn gắn bó, công tác lâu dài tại trường thì cán bộ quản lý phải tiếp tục gia hạn hợp đồng. Để làm được việc này, nhà trường phải thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo địa phương bằng những văn bản cụ thể, tránh tình trạng tự phát, nơi làm, nơi không.
Bên cạnh đó, các trường phải có trách nhiệm kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ, phẩm chất, năng lực của giáo viên thông qua quá trình tuyển dụng. Về phía giáo viên cũng cần tỉnh thức, tham khảo luật Lao động, chế độ lương, thưởng trước khi ký hợp đồng. Bản thân mỗi giáo viên đều phải có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình theo pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, xã hội hóa giáo dục rất cần thiết, tuy nhiên không nên hiểu khái niệm này là thu thêm tiền của phụ huynh học sinh. Xã hội hóa phải dựa vào những nguồn lực đa dạng của xã hội, đặc biệt, mỗi địa phương đều phải có trách nhiệm trong việc phát triển, đầu tư cho giáo dục. Không nên coi xã hội hóa là việc làm tự phát của các trường.
"Theo tôi, xã hội hóa giáo dục không chỉ giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên Ngoại ngữ, Tin học hiện nay ở các tỉnh mà cần hiểu rộng, phân tích sâu khái niệm này hơn nữa. Xã hội hóa là các trường phổ thông được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục. Mỗi trường học phải là một mô hình giáo dục "tự chủ - dân chủ - nhân văn".
Ngoài ra, xã hội hóa giáo dục cũng là kế hoạch chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề này cần được quan tâm, thực hiện từ cấp giáo dục mầm non cho đến trung học phổ thông, thay vì từ trước đây chúng ta chỉ chú trọng đầu tư cho các trường nghề, trường cao đẳng tại địa phương.
Ở các cấp học, nội dung giáo dục cần tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Nhà trường nên lựa chọn chủ đề thiết thực đối với việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua phương pháp tổ chức những hoạt động học tập, hoạt động giáo dục trải nghiệm.
Các hoạt động giáo dục của mỗi trường phải tích cực gắn với tình hình kinh tế, lao động, sản xuất, văn hóa địa phương để đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển của địa phương. Ví dụ những tỉnh phát triển mạnh về du lịch thì học sinh phải được đầu tư học ngoại ngữ", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, học sinh trường trung học cơ sở, trung học phổ thông phải đi đầu trong việc vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong phát triển các ngành, nghề của địa phương. Học sinh cấp trung học phổ thông hoàn toàn có thể gắn việc học những bộ môn khoa học ở trường với các dự án khởi nghiệp cho gia đình, làng xóm. Từ đó, các thầy cô sẽ tiếp tục định hướng và bồi dưỡng các em để những dự án đi vào thực tế.
3 giải pháp quan trọng để giải bài toán thừa thiếu giáo viên
Ngoài xã hội hóa đối với các môn như Ngoại ngữ, Tin học, để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, thầy Lâm chỉ ra 3 giải pháp quan trọng cần lưu ý, cụ thể:
Thứ nhất, tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đào tạo trong trường sư phạm và bồi dưỡng giáo viên trong quá trình giảng dạy tại các trường phổ thông. Để công tác dạy học đạt kết quả cao, bản thân người thầy phải luôn tự giác trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ gắn với đời sống kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.
Thứ hai, về tuyển dụng giáo viên, cần loại bỏ ngay những giáo viên có trình độ dưới mức chuẩn, vì những người này có thể làm nguy hại tới tương lai của học sinh. Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức, không tuyển dụng những người người kém phẩm chất làm giáo viên, kể cả giáo viên hợp đồng.
Thứ ba, cần hiểu lao động của nhà giáo để tôn vinh và đãi ngộ cho đúng. Hiện nay, tiền lương của giáo viên còn rất thấp, vẫn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức các thầy cô tâm huyết bỏ ra. Chính vì vậy, nhà nước và cụ thể chính quyền mỗi địa phương nên có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.
Hiện nay, Quảng Ninh là một trong số các tỉnh đi đầu cả nước về phát triển mạng lưới giáo dục, đào tạo, đầu tư mọi nguồn lực để thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, thực hiện đúng những đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Theo đó, các địa phương có thể tham khảo, học tập, phát huy mô hình giáo dục chủ động, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh và tăng cường đầu tư hơn nữa cho nền giáo dục tỉnh mình. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư tài chính phải trúng, đúng mục tiêu và trọng tâm để ngành giáo dục và đào tạo có sự phát triển đột phá, chuyển biến mạnh mẽ cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.