Xã hội hóa việc phát triển thương hiệu 'Thành phố sáng tạo'

Ngày 30/10/2019, TP Hà Nội vinh dự cùng 66 TP khác trên thế giới được công nhận là thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN). Mạng lưới này được hình thành nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP được vinh danh, với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy 'nguồn lực văn hóa' và 'sáng tạo văn hóa' làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Triển lãm tranh “Vùng nào thức nấy” tạo nên từ 41 đặc sản địa phương với sự tham gia của 36 họa sĩ minh họa trẻ đang diễn ra tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn kiếm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Triển lãm tranh “Vùng nào thức nấy” tạo nên từ 41 đặc sản địa phương với sự tham gia của 36 họa sĩ minh họa trẻ đang diễn ra tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn kiếm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Tiềm năng sáng tạo từ nguồn lực văn hóa, con người

Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công, Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Đó là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng để Hà Nội kiến tạo và phát triển văn hóa, tiếp thêm sức sống, sức sáng tạo mới cho cộng đồng. Với lợi thế về vốn văn hóa phong phú, đa dạng, Thủ đô Hà Nội đang từng bước phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa. Phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; 2030 đóng góp 8% GRDP của TP. Vì thế, Hà Nội cần đưa ra các chiến lược cụ thể và bài bản đề đạt được mục tiêu này.

Thành ủy Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đến Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Trong tổng số 10.020 DN hiện tại đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, có tới 2.764 DN thiết kế, 270 DN nghệ thuật, 380 DN văn hóa và 1.436 DN thời trang.

Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa, giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây thực sự là tiền đề mở ra nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu.

Những năm gần đây, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã mang lại những kết quả tích cực đối với lĩnh vực văn hóa. Chủ trương xã hội hóa đã trở thành một động lực thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Hiện nay, thị trường mỹ thuật Thủ đô hoạt động sôi nổi với sự xuất hiện của các gallery, giúp các họa sĩ hòa nhập với nền kinh tế thị trường và đời sống nghệ thuật đương đại. Đây chính là nhân tố giữ vai trò nâng đỡ những sáng tác mới, kết nối giữa nghệ sĩ với công chúng yêu nghệ thuật…

Cơ hội nào để phát triển?

Theo ThS. Lê Thị Trang - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lộ trình biến tiềm năng văn hóa thành cơ hội trong phát triển thương hiệu “TP sáng tạo” của Hà Nội vẫn có không ít khó khăn, thách thức đi kèm, đặc biệt là vấn đề huy động nguồn lực xã hội.

Đó là một rào cản gặp phải trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động, các dự án về văn hóa, sáng tạo, cụ thể đó là: Thách thức trong việc đổi mới tư duy, phát huy tính sáng tạo của các chủ thể văn hóa; Thách thức từ mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích, đa chủ thể trong quá trình thực hiện xã hội hóa gắn với định hướng phát triển “TP sáng tạo”; Thách thức từ việc duy trì và phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

Trọng tâm của Hà Nội là đặt sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững TP, với tầm nhìn xa rộng để trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Vì công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong xây dựng “TP sáng tạo”, là biện pháp để đưa những tiềm năng văn hóa thành sức mạnh mềm, đem lại giá trị kinh tế cao.

Việc sử dụng thiết kế sáng tạo như là một giải pháp chuyển hóa “nguồn lực mềm” thành “sức mạnh mềm” văn hóa khi cần trở thành vấn đề trọng tâm và xuyên suốt. Từ bài học thành công của các TP sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đã và đang nỗ lực tìm kiếm con đường bứt phá phù hợp, tận dụng cơ hội, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, vượt qua thách thức để phát triển thương hiệu TP sáng tạo. Mục tiêu lớn của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các TP khác của Việt Nam, như TP HCM, Đà Nẵng, Huế… tham gia Mạng lưới TP sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới.

Có hai việc phải đồng thời giải quyết, đó là: Vận động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào công nghiệp văn hóa, bằng cách kiến tạo một thị trường cho công nghiệp văn hóa, xây dựng những chính sách khuyến khích phù hợp và một quy hoạch rõ ràng, hấp dẫn cho từng ngành kinh tế sáng tạo.

Cùng với đó, mạnh dạn mở ra một phương thức hợp tác mới trong lĩnh vực văn hóa, giữa nhà nước và tư nhân, đó là phương thức hợp tác đối tác công tư PPP. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững hiệu lực, hiệu quả thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.

Về thu hút và hỗ trợ đầu tư, TP cần đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch... Cùng với đó, thời gian tới, TP Hà Nội cần chú trọng hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ thống mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ - nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng và sẵn có của Hà Nội.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xa-ho-i-ho-a-vie-c-pha-t-trie-n-thuong-hie-u-tha-nh-pho-sa-ng-ta-o-343526.html