Xã Hội | Phòng, chống Virus Corona (2019-nCoV) TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tống Thanh Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Trung tâm Chỉ huy (TTCH) tỉnh tại cuộc họp trực tuyến qua phần mềm Zoom Cloud Meeting giữa TTCH phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với TTCH các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan vào sáng 17/1.
Từ ngày 1/1/2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 506 ca mắc Covid-19 (Than Uyên: 150 ca; Nậm Nhùn: 137 ca; Tân Uyên: 109 ca; Sìn Hồ: 48 ca; thành phố Lai Châu: 32 ca; Tam Đường: 16 ca; Phong Thổ: 14 ca); có 3.674F1, 7.555F2 liên quan. Hiện có 6 ổ dịch đang hoạt động bao gồm: Sìn Hồ: 1; Nậm Nhùn: 1; Tân Uyên: 2 và Than Uyên: 2). Hiện các ổ dịch cơ bản được kiểm soát.
Từ năm 2021 - 16/01/2022, toàn tỉnh phát hiện và điều trị 616 ca mắc, trong đó có 168 ca đã khỏi bệnh, còn 448 ca đang điều trị, không có ca bệnh tử vong. 358 ca điều trị tại 7 cơ sở y tế; 90 ca đang quản lý, điều trị tại nhà. Có 2 ca nặng, 3 ca trung bình đang điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh, 187 ca nhẹ và 256 ca không có triệu chứng. Tình hình sức khỏe các bệnh nhân đang ổn định. Trong đợt dịch này 6 Trạm Y tế lưu động đã được kích hoạt và tổ chức triển khai điều trị ca bệnh tại nhà.
Từ ngày 27/12/2021 bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Đến ngày 16/1/2022, đã tiêm là 669.160 liều vắc xin, trong đó 588.118 liều cơ bản, 81.042 liều bổ sung, nhắc lại.
4 xã, thị trấn gồm: Phăng Xô Lin, Nậm Chà, thị trấn Tân Uyên, Ta Gia thuộc cấp độ 3; 4 xã, thị trấn gồm: thị trấn Sìn Hồ, Căn Co, Mường Kim, Mường Khoa thuộc cấp 2; 98 xã, phường, thị trấn còn lại thuộc cấp độ 1.
Thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng là tập trung lực lượng khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch tại 4 huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn. Đẩy nhanh tiến độ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; điều trị hiệu quả, xử lý triệt để ổ dịch trong thời gian sớm nhất. Yêu cầu mọi người dân đi từ ngoại tỉnh về phải đến trạm y tế khai báo y tế ngay, các trạm y tế thực hiện test sàng lọc đối với các trường hợp này.
Chủ động sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy, phòng hộ cá nhân, vật tư, hóa chất… Tăng cường quản lý người có nguy cơ cao; thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 1/2022 và tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022…
Tại cuộc họp, TTCH các huyện, xã có dịch diễn biến phức tạp đã báo cáo tình hình và kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; tình hình quản lý, kiểm soát người và phương tiện qua chốt, đảm bảo thích ứng trong tình hình mới. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung để thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện tết Nhâm Dần đang đến gần.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực TTCH tỉnh đánh giá cao sự nắm bắt sâu sát của TTCH các cấp, ngành, các lực lượng nơi tuyến đầu. Đến thời điểm này, Lai Châu vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Đồng chí nhận định: Thời gian tới lượng người từ miền xuôi và các tỉnh về địa bàn tỉnh rất đông. Nhiều F0 không có triệu chứng, rất khó phát hiện. Cơ sở vật chất, nhân lực y tế còn kém; ý thức người dân về tự nhận biết, tự phòng tránh dịch bệnh còn hạn chế. Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng tương đối lớn.
Do đó, thời gian tới, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh; đảm bảo thích ứng an toàn. Các lực lượng tuyến đầu bố trí đủ nhân lực, vật lực, giải quyết các tình huống phát sinh.
Bao vây kịp thời các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, không để “chặt ngoài, lỏng trong”, bằng mọi cách xử lý triệt để các ổ dịch trước khi bước vào kỳ nghỉ tết. Quan tâm những nơi có nguy cơ cao; phát hiện nhanh, khoanh vùng dập dịch. Khuyến khích người dân tự xét nghiệm, tự phát hiện ca bệnh. Hạn chế tối đa hoạt động tập trung đông người. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có phương án sẵn sàng bổ sung nhân lực hỗ trợ kịp thời các đơn vị tuyến dưới khi có nhu cầu. Có phương án phân luồng điều trị F0, không để quá tải cho hệ thống y tế. Các F0, F1 phải được chăm sóc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giảm thiểu tối đa các ca tử vong…
Duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận kịp thời ý kiến phản ánh của người dân. Chủ động tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực có nguy cơ cao. Đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng dịch cho các lứa tuổi trong diện tiêm. Tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức để người dân chủ động khai báo, thực hiện “5K”. Cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan báo chí về các nội dung phòng, chống dịch bệnh…