Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Xác định xây dựng hạ tầng giao thông có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, thời gian qua huyện Than Uyên đã chú trọng xây dựng, quản lý, duy tu và bảo dưỡng các tuyến đường giao thông sau đầu tư. Qua đó, các phương tiện tham gia giao thông được bảo đảm an toàn, thông suốt, giúp huyện phát huy các tiềm năng, lợi thế về sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trên địa bàn huyện Than Uyên có các tuyến quốc lộ (QL) 32, QL279 và QL 279D với tổng chiều dài 828,83km, trong đó: đường nội thị 7,32km; đường huyện 100,18km; đường xã (đường trục thôn bản - liên thôn bản) 202,39km; đường nội bản (đường ngõ, xóm) 273,2km; đường nội đồng 212,87km. Để phát triển mạng lưới giao thông từ huyện đến trung tâm các xã, từ xã đến các thôn bản được cứng hóa, huyện đã sử dụng ngân sách của các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách của tỉnh, huyện đầu tư xây dựng mới và duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đảm bảo giao thông thông suốt. Đối với những tuyến đường, dự án xây dựng hệ thống giao thông không do huyện đầu tư xây dựng, huyện chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các đường giao thông nông thôn đấu nối với QL, đường tỉnh và tiếp nhận, quản lý các công trình xây dựng cơ bản.

Tuyến đường từ quốc lộ 32 đi Én Lương (xã Mường Than, huyện Than Uyên) được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tuyến đường từ quốc lộ 32 đi Én Lương (xã Mường Than, huyện Than Uyên) được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Để những công trình được đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đúng thời gian quy định, huyện giao cho các phòng, ban chuyên môn như: Ban Quản lý Dự án, Phòng Kinh tế Hạ tầng… phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa theo đúng quy định của Nhà nước. Nhờ đó, đến nay các tuyến đường từ huyện đến xã được cứng hóa 100%, ôtô đi lại thuận lợi quanh năm; đường trục thôn bản, liên thôn bản cứng hóa 90,22%; đường nội bản cứng hóa 78,65%; đường nội đồng cứng hóa 42,62%.

Vừa được đầu tư và đưa vào sử dụng tháng 5 vừa qua, tuyến đường QL 32 đi Én Lương (xã Mường Than) là dự án được đầu tư xây dựng mới năm 2021 theo nguồn ngân sách địa phương. Tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 1,2km, mặt đường rộng 3,5m, tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Đang chở thóc về nhà, đi trên con đường này, anh Vàng Văn Ù (bản Mường) chia sẻ: “Trước đây, con đường này là đường đất, mùa khô thì bụi, trơ sỏi đá kèm ổ voi, ổ gà; mùa mưa thì trơn trượt. Hai bên đường là ruộng lúa nên không ít người bị ngã xuống rộng. Được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư đường bêtông, giờ đi lại thuận tiện. Bà con ai nấy đều vui khi vụ này bội thu lại có đường đẹp, xe máy chở thóc băng băng trên đường, các loại máy móc mang ra gặt và mang về cũng dễ. Chúng tôi ai nấy đều vui, phấn khởi lắm”.

Nhằm phát huy hiệu quả và bảo vệ kết cấu các tuyến đường giao thông các công trình sau đầu tư, huyện chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng định kỳ hàng năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp giao thông và một số nguồn vốn khác, thực hiện cắm biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đường huyện quản lý. Các xã, thị trấn trên địa bàn giao các trưởng bản, bí thư chi bộ thường xuyên kiểm tra, nắm thông tin các xe tải trọng lớn ra vào địa bàn nhằm hạn chế xe quá tải lưu thông làm hỏng đường.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông, huyện gặp không ít khó khăn như: nguồn kinh phí để triển khai thực hiện còn hạn chế trong khi địa bàn rộng, nhiều tuyến đường đầu tư xây dựng đã lâu, xuống cấp; địa hình miền núi nên các tuyến đường liên xã được đầu tư cứng hóa nhưng mặt đường còn hẹp, các đoạn cua gấp nguy hiểm, độ dốc lớn, taluy dương cao khi mưa bão thường bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn…

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để khắc phục những khó khăn, phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông theo văn bản của Nhà nước quy định. Sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối giữa các xã và các phương thức vận tải phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn huyện. Triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các hộ nằm trong vùng dự án, các hộ dân bị thu hồi đất; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn nhằm phát huy tối đa nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đường giao thông trên địa bàn huyện.

Hiện, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện cơ bản ổn định và thông suốt. Các tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sự kết nối giao thương, đưa các mặt hàng nông sản được sản xuất trên địa bàn đến với thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế, góp phần giảm tai nạn giao thông, xây dựng bộ mặt đô thị huyện phát triển.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-v%C3%A0-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-h%E1%BA%A1-t%E1%BA%A7ng-giao-th%C3%B4ng