Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Từ năm 2004 đến nay, huyện Sìn Hồ thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) để xây dựng 3 công trình thủy điện: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Nậm Na 2 và Thủy điện Nậm Na 3. Trong đó, công trình Thủy điện Sơn La là lớn nhất với diện tích đất ngập trên địa bàn huyện phải thu hồi là 1.142ha, thực hiện tại 9 xã, 50 bản, 1.172 hộ, 6.256 nhân khẩu phải di chuyển. Khối lượng công việc vô cùng lớn, dù vậy huyện đã hoàn thành kế hoạch di dời trước 1 năm so với tiến độ tích nước Thủy điện Sơn La.

7/9 bản TĐC của xã Nậm Tăm nằm trong giai đoạn đầu của chương trình, đây là 1 trong 5 khu, điểm TĐC đảm bảo các yếu tố: đủ đất ở, đất sản xuất, có nguồn nước, đảm bảo điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt nhất là vừa làm, vừa lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh. Các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đều đưa công tác TĐC vào nghị quyết để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nên được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nậm Tăm phát triển thương mại dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nậm Tăm phát triển thương mại dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Ông Lê Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chương trình TĐC tại huyện Sìn Hồ nói chung và xã Nậm Tăm nói riêng về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu lớn. Tại các điểm TĐC trên địa bàn, đời sống người dân đã nâng lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như: hệ thống giao thông thủy lợi, nước sinh hoạt được huyện quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ. Cùng với đó là các chương trình khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, lễ hội. Nhờ chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền huyện, cùng nỗ lực của người dân mà các điểm TĐC trên địa bàn huyện đã có những phát triển vượt bậc.

Có dịp trở lại thăm Nậm Tăm vào đúng dịp Nhân dân các dân tộc trong xã đang ra sức thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất này, 10 năm không phải là quá dài, nhưng chỉ bằng ấy thời gian Nậm Tăm có được diện mạo khang trang như ngày hôm nay là điều mà không nhiều địa phương làm được. Thời điểm năm 2011, Nậm Tăm là xã khó khăn của huyện Sìn Hồ, nhiều hộ dân và cả trụ sở UBND xã không có điện lưới, các bản: Nậm Lò, Nậm Kinh, Hua Ná, đường đi lại còn khó khăn, mùa mưa không đi được. Đường dân sinh vào bản Nậm Ngập vỏn vẹn có 4km mà 3 năm không thể hoàn thành. Các bản không có nhà văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo của xã thời điểm đó chiếm tới hơn 41%. Ấy vậy mà giờ đây miền đất này như đã “thay da đổi thịt” hoàn toàn.

Nhiều năm qua, người dân các bản TĐC tại Nậm Tăm luôn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy thế mạnh địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Nổi bật là đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, sau khi xã về đích NTM, cơ sở hạ tầng đảm bảo tạo nền tảng cho xã phát triển mạnh hơn, từ đó có thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả thu hút các nhà đầu tư quan tâm.

Xã Nậm Tăm có diện tích 10.505,56ha, với 3 dân tộc cùng sinh sống. Sau khi TĐC xã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, huyện. Cùng với các nguồn vốn đầu tư từ chương trình 30a/CP, vốn xây dựng cơ bản, nguồn vốn sự nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, giáo dục… đã góp sức giúp xã có thêm “lực” để phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Lò Văn Xanh cho biết: Trước khi về TĐC tại bản Phiêng Lót, xã Nậm Tăm, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mỗi năm đều phải nhận gạo cứu đói của Nhà nước. Gia đình cũng không có nhà kiên cố. Từ khi về nơi ở mới, nhận được tiền đền bù, hỗ trợ, gia đình tôi đã xây dựng nhà mới, có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, các con tôi đều được đi học. Nhà gỗ chắc chắn, mái lợp tôn xốp, có xe máy và được dùng điện lưới quốc gia... Đây là điều trước kia tôi không bao giờ dám mơ.

Nậm Tăm vốn có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, để nâng cao thu nhập cho bà con, chính quyền huyện, xã chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để diện tích đất có khả năng đưa vào sản xuất, sử dụng giống mới. Toàn xã có trên 1.000ha cây cao su và nhiều loại hoa màu, cây ăn quả. Bà con tận dụng tốt vùng bán ngập Thủy điện Sơn La để phát triển các mô hình chăn nuôi... Thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm 2020.

Có lợi thế là xã trung tâm khu vực vùng thấp Sìn Hồ, chính quyền xã Nậm Tăm còn khuyến khích và kết nối người dân với các nguồn vốn vay, giúp các hộ có điều kiện mặt bằng mở rộng kinh doanh, dịch vụ, các nghề tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhiều cơ sở sản xuất quy mô đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của Nhân dân trong và ngoài xã. Qua đó, góp phần quan trọng vào thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%E1%BB%95i-thay-tr%C3%AAn-mi%E1%BB%81n-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%C6%B0