Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Huyện Mường Tè đã thực hiện nhiều giải pháp từ tìm nguồn nước đến xây dựng các bể nước tập trung để giải quyết nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho Nhân dân. Từ đó, giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trước đây, đời sống người dân các xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Tè như: Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm, Tà Tổng cuộc sống rất vất vả do thiếu nước sinh hoạt. Nhưng nay, nước đã về tới bản, từng hộ dân. Bà con chỉ cần mang xô, chậu ra các bể nước của bản là có thể mang nước về, hộ nào khá giả thì lắp công-tơ, mua ống dẫn đưa nước về tận nhà.

Anh Ly Ha Xa (bản Nhú Ma, xã Pa Ủ) cho biết: Do địa hình cao, nhiều vực sâu, dốc thẳng đứng nên việc đi lấy nước của dân bản ngày trước gặp nhiều khó khăn, mỗi lần đi là bao nhiêu thử thách, có khi nguy hiểm đến cả tính mạng. Được Đảng, Nhà nước quan tâm xây cho bản các công trình nước sinh hoạt nên giảm bớt gánh nặng trong việc tìm kiếm nước. Có nước về bản, chúng tôi có nhiều thời gian hơn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nước sạch về tận bản Nậm Hạ (xã Can Hồ, huyện Mường Tè).

Nước sạch về tận bản Nậm Hạ (xã Can Hồ, huyện Mường Tè).

Được biết, nhiều năm về trước, mỗi sáng hàng ngày, người dân phải dắt trâu, ngựa đi theo đường mòn đến các khe, mó nước để hứng nước đem về sinh hoạt. Con đường đi không phải đơn giản mà quanh co, khúc khuỷu, lúc lên dốc, xuống dốc, có khi một bên là vực sâu. Vào mùa mưa, đường đi càng khó khăn hơn do trơn trượt, sạt lở. Để giảm bớt sức lực, bà con chỉ biết dùng ống tre nối từ nguồn nước tới bản, tận dụng, dự trữ nước mưa nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời không mang tính hiệu quả lâu dài. Còn đến mùa khô, nước thiếu trầm trọng khiến cuộc sống của đồng bào càng khó khăn.

Hiểu được nỗi vất vả của người dân, UBND huyện đầu tư xây dựng 114 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tới các xã, bản trên địa bàn theo nguồn vốn của chương trình 135/CP, 30a/CP, nông thôn mới... Nguồn nước được lấy từ các khe, mó nước, đầu nguồn, mạch nước ngầm chảy qua ống dẫn thẳng về các bể. Tùy theo từng bản, mỗi bể có kích thước dài từ 2 - 4m, cao 1,5 - 2m, rộng từ 1 -2m, lúc đầy có thể chứa từ 8 - 10 khối nước và có hệ thống lọc thô. Các công trình đều được xây trong khu dân cư, xa nơi có nguy cơ sạt lở để đảm bảo công trình phát huy hiệu quả. Có nước về bản là niềm vui mừng khôn xiết của Nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, giờ đây mọi lo toan, phiền toái đã không còn, bà con dành nhiều thời gian, công sức làm kinh tế, thay đổi cuộc sống.

Chị Phản Thị Tâm (bản Chà Dì, xã Bum Tở) chia sẻ: Nước sinh hoạt về bản đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi, không chỉ có nước dùng thường xuyên trong sinh hoạt mà việc chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi hơn trước. Dân bản đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Là trưởng bản, tôi thường xuyên nhắc nhở bà con sử dụng tiết kiệm, không lãng phí nước.

Các bản thường xuyên vệ sinh bể nước, không xả, vứt rác quanh bể, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh. Ở các khe dẫn nước, mó nước đầu nguồn, không chăn thả gia súc, làm nương, thường xuyên phát dọn cây cỏ; chủ động kiểm tra các ống dẫn, chất lượng công trình nước sinh hoạt, nếu phát hiện sự cố thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương xử lý. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn vận động người dân bảo vệ, phát triển rừng để giữ nguồn nước.

Ngoài nước phục vụ sinh hoạt, huyện còn xây dựng 139 công trình thủy lợi dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, nương ngô, hoa màu, đảm bảo đúng mùa vụ, tăng năng suất, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Anh Lý Văn Hưng - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đảm bảo thường xuyên nước sinh hoạt cho người dân, phòng tích cực phối hợp với các địa phương vận động người dân sử dụng hợp lý, giữ gìn vệ sinh các bể nước. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, chất lượng các bể; tham mưu UBND huyện đầu tư các trang thiết bị lọc nước để bà con yên tâm sử dụng.

Hiện nay, toàn huyện có 49 công trình nước sinh hoạt đang sử dụng tốt, 42 công trình hoạt động mức trung bình, 23 công trình kém và hư hỏng đang được khắc phục, tu sửa. Tin rằng với sự đầu tư của chính quyền địa phương và cách sử dụng của Nhân dân, nước sinh hoạt sẽ luôn đảm bảo phục vụ đời sống của bà con vùng biên.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%E1%BA%A3m-b%E1%BA%A3o-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-sinh-ho%E1%BA%A1t-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n2021