Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Toàn huyện Sìn Hồ hiện có 69.054 con gia súc (riêng lợn có tới 40.045 con), 300 nghìn con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, có 63 con gia súc (chủ yếu là trâu, bò, dê) bị chết do dịch bệnh. Tại các xã: Pa Tần, Ma Quai, Phìn Hồ, Hồng Thu, Phăng Sô Lin và thị trấn Sìn Hồ xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, phải tiêu hủy trên 50 con. Cấp ủy, chính quyền huyện đã nhanh chóng, kịp thời chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với hộ chăn nuôi tăng cường kiểm tra, rà soát và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, dập dịch an toàn; bảo vệ, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên 3,9%.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều tới tổng đàn gia súc trên địa bàn và chất lượng đàn vật nuôi nói chung, đặc biệt thời gian cuối năm là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiêm phòng được hơn 80.000 liều vắc-xin, trong đó chủ yếu là: cúm gia cầm, dịch tả lợn, bệnh dại trên chó, mèo... đạt tỷ lệ 95% tổng đàn vật nuôi. Đồng thời, triển khai tiêm phòng bổ sung 2.900 liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; sử dụng 3.292 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

Người dân xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) chăm sóc trâu.

Người dân xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) chăm sóc trâu.

Để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch, chống rét cho gia súc, gia cầm, theo dõi, kiểm tra vùng có nguy cơ bùng phát dịch. Tập huấn nâng cao chất lượng mạng lưới thú y tại các xã, bản; chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 5 đợt tập huấn, hướng dẫn người dân tại các xã cách trị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh tai xanh... cho vật nuôi. Chủ động phát hiện, xử lý kịp thời ngay tại cơ sở, tránh để bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Kiểm soát chặt việc giết mổ gia súc trên địa bàn. Từ đó, góp phần ổn định đàn vật nuôi trên địa bàn.

Ông Nguyễn Duy Giang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ cho biết: Để chăn nuôi tại địa phương phát triển an toàn, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các phòng chuyên môn, xã, bản chú trọng chăm sóc đàn vật nuôi, kiểm tra việc tái đàn lợn bảo đảm đúng hướng dẫn. Đối với các hộ vi phạm: giấu dịch, giết mổ lợn, trâu, bò mắc bệnh, nhập đàn không khai báo, chính quyền địa phương sẽ xử lý hành chính và tiêu hủy đàn vật nuôi.

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước bùng phát dịch bệnh viêm da nổi cục, ảnh hưởng mạnh tới ngành chăn nuôi, gây thiệt hại cho người dân. Để chủ động phòng và xử lý kịp thời đối với dịch bệnh này, huyện Sìn Hồ đã kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bệnh, xử lý cách ly theo dõi điều trị dứt điểm. Nhờ đó đã ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đối với các loại bệnh theo mùa như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tai xanh... việc phòng dịch diễn ra ngay tại chỗ. Theo đó, các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh môi trường, tiêm phòng dịch, phun thuốc sát trùng. Một số hộ sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi và sử dụng nguồn giống đã qua kiểm dịch theo quy định. Tháng 6 vừa qua khi trên địa bàn huyện bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, bà con chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xử lý và tiêu hủy lợn bị bệnh đúng quy định. Vì vậy, dịch bệnh được kiểm soát kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Tươi (khu 4, thị trấn Sìn Hồ) cho biết: Đợt dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn thị trấn vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy 5 con lợn, thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Một số hộ tại khu nhà tôi đều trong tình trạng như vậy. Nguyên nhận chính là do chúng tôi chủ quan không tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại chưa đảm bảo và nguồn thức ăn cho vật nuôi có mầm bệnh. Dù dịch đã qua nhưng việc tái đàn của gia đình còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn và thời điểm hiện tại giá con giống khá cao.

Trước diễn biến của các loại dịch bệnh xuất hiện tại địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời khoanh vùng hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Nhưng để duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm của địa phương đến cuối năm còn nhiều thách thức, cần sự tập trung phối hợp của các cơ quan chuyên môn và ý thức của người dân trong kiểm soát dịch bệnh.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%99ng-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-tr%C3%AAn-%C4%91%C3%A0n-v%E1%BA%ADt-nu%C3%B4i