Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Huyện Sìn Hồ có 14 dân tộc cùng sinh sống rải rác ở 2 vùng khí hậu. Trong đó, đồng bào Thái ở các xã vùng thấp, dọc sông Nậm Na; cộng đồng người Dao, Mông sống tập trung ở các xã vùng cao. Người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ, văn hóa đa dạng, cuộc sống phần lớn dựa vào kinh tế nông nghiệp. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, người dân ít được giao lưu học hỏi về khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, trẻ em ngoài việc học thì vẫn phải làm ruộng, nương, lao động giúp gia đình. Do đó, việc dạy và học của các thầy, cô giáo nơi đây khó khăn hơn rất nhiều.

Để học sinh được đến lớp học văn hóa và duy trì sỹ số là vấn đề nan giải chứ chưa nói đến việc khác. Trên địa bàn 22 xã và thị trấn của huyện Sìn Hồ có 62 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, THCS đến THPT, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhận thức của học sinh thấp, đội ngũ giáo viên tại địa phương còn thiếu và có bộ phận còn yếu, khiến chất lượng giáo dục của huyện miền núi Sìn Hồ chưa cao.

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, học sinh Trường THCS thị trấn Sìn Hồ thường xuyên được sử dụng mô hình trực quan trong giờ học. Ảnh tư liệu

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, học sinh Trường THCS thị trấn Sìn Hồ thường xuyên được sử dụng mô hình trực quan trong giờ học. Ảnh tư liệu

Anh Vàng Séo Chừ (người dân bản Thành Chử, xã Tủa Sín Chải) cho biết: Việc học tập của học sinh mầm non và tiểu học tại bản đang rất khó khăn, vì bản không có điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt, cơ sở giáo dục tại bản không đủ nên các cháu học hết lớp 4 phải đi bộ lên trung tâm xã học tiếp lớp 5. Mà hiện tại đường từ bản đến trung tâm xã hơn 20km đường mòn, do đó có học sinh trong bản đã phải nghỉ học.

Để tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ động xin thêm đầu tư từ các cấp, ngành, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kết hợp với nhiều tổ chức đoàn thể kêu gọi hỗ trợ giúp hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo viên và học sinh các trường vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo chất lượng dạy và học trong năm học 2021-2022, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn, dựa trên nghiên cứu bài học, bài giảng và giao lưu trao đổi kinh nghiệm theo nhóm, lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn vững bố trí dạy các lớp đầu cấp. Các trường thường xuyên tổ chức đánh giá giờ dạy của giáo viên theo bộ tiêu chí được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với từng trường, từng địa phương, giảm bớt áp lực trong công việc. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ để các thầy, cô giáo bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

Ngành Giáo dục huyện chỉ đạo quyết liệt trong việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, hướng tới đổi mới phương pháp dạy học trong năm học này theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện giờ đây đã có cái nhìn thực tế hơn, hầu hết lãnh đạo các trường đều thống nhất việc cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trước rồi đến học sinh, thay đổi bổ sung các phương pháp dạy, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp, cùng với đó là bồi dưỡng kiến thức chung cho học sinh.

Ông Phạm Văn Phôi - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết: Phòng đã có những chỉ đạo sát sao để nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương trong năm học 2021 - 2022 như: chú trọng chuẩn hóa giáo viên, cán bộ các cấp, cán bộ quản lý, thông qua công tác khảo thí, đánh giá; đồng thời tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Khuyến khích áp dụng khoa học thông tin, công nghệ số vào việc dạy và học, hướng tới tiếp cận chuyển đổi số trong ngành Giáo dục khi hạ tầng cho phép. Trong quản lý thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, kịp thời phát hiện những vi phạm tiêu cực để xử lý. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục thì việc nâng cao công tác quản lý, chất lượng giáo viên, cơ sở hạ tầng… là những yếu tố quan trọng nhất.

Chất lượng giáo dục của huyện miền núi có nhiều đặc thù nên sẽ khó so sánh với những vùng miền khác. Về cơ bản những giáo viên có nhiều năm cắm bản đều là các thầy, cô tâm huyết với nghề, dành nhiều thời gian và tình cảm cho những đứa trẻ vùng cao vốn nhiều thiệt thòi, luôn cố gắng tạo môi trường thuận lợi nhất cho các em sinh hoạt và học tập. Cũng chính môi trường công tác đầy khó khăn và áp lực này đã khởi sinh ra nhiều sáng kiến mới, cách làm hay, phát huy tinh thần tự học của giáo viên, góp phần duy trì chất lượng dạy và học tại vùng cao Sìn Hồ.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-v%C3%B9ng-cao