Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống, thời gian qua huyện biên giới Phong Thổ có nhiều việc làm thiết thực để quản lý, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại, từng bước nâng cao diện tích, chất lượng và tỷ lệ che phủ rừng.

Căn cứ các công văn, hướng dẫn của tỉnh, huyện về việc triển khai công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa hanh khô và đôn đốc thực hiện của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn linh động cách làm phù hợp với tình hình thực tế. Hạt Kiểm lâm huyện là đơn vị có vai trò nòng cốt đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, PCCCR hàng năm ở cấp xã. Tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 cấp xã. Chủ động phân công 17 kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ tại 17 xã, thị trấn. Lực lượng kiểm lâm địa bàn kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ rừng và PCCCR.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng đến người dân thị trấn Phong Thổ.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng đến người dân thị trấn Phong Thổ.

Việc tuần tra bảo vệ rừng được kiểm lâm địa bàn trực tiếp thực hiện, phối hợp thực hiện thường xuyên, thông qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện đã trực tiếp thực hiện, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng được 293 lượt; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ với tổng số tiền 131 triệu đồng về các hành vi: phá rừng, mua, bán, khai thác lâm sản trái pháp luật... tang vật thu giữ 1,957m3 gỗ thông thường.

Điển hình, vào hồi 1 giờ 45 phút ngày 12/1/2021 tại bản Mấn 1 (xã Nậm Xe), tổ công tác tuần tra kiểm soát (có kiểm lâm địa bàn tham gia) phát hiện 1 hộp gỗ xẻ thông thường để cạnh đường của bản. Tại thời điểm kiểm tra số gỗ trên có khối lượng là 0,067m3 là của ông Giàng A Chư (SN 1998, ở bản Chảng Phàng, xã Sin Suối Hồ). Ông Chư không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số gỗ trên và khai báo mua số gỗ của một người dân không rõ tên tuổi, địa chỉ, mua về để sử dụng làm nhà ở. Hành vi của ông Chư là mua lâm sản trái pháp luật. Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực lâm nghiệp, xử phạt 5 triệu đồng.

Hợp tác xã (HTX) Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ) là một trong hai nhóm hộ bảo vệ rừng ở huyện Phong Thổ. HTX được thành lập năm 2014 với 6 thành viên. Bên cạnh ngành nghề kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu, HTX đang nhận chăm sóc, bảo vệ 219ha rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh và rừng trồng.

Anh Nguyễn Xuân Oanh - Giám đốc HTX Xuân Oanh chia sẻ: “Ban đầu để bảo vệ rừng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do trâu bà con thả rông, phá hoại nhiều. Chúng tôi phải đầu tư kinh phí làm cột bêtông, thép gai để rào. Đồng thời, liên kết với tổ xung kích bảo vệ rừng của thôn để tuần tra thường xuyên trong mùa khô hanh”.

Được biết, 5 năm trở lại đây, HTX Xuân Oanh không để xảy ra cháy rừng, thảm cỏ. Mỗi năm, HTX được chi trả trên 100 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, từ đó nâng tổng doanh thu của HTX cuối năm đạt trên 1 tỷ đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, lao động thời vụ từ 10-15 người làm việc trong 2 tháng.

Với HTX Voòng Dính ở tổ dân phố Pa So (thị trấn Phong Thổ) bảo vệ rừng cũng là nhiệm vụ thường xuyên. Các thành viên nhắc nhở nhau không mang nguồn lửa vào rừng, áp dụng nghiêm ngặt các biện PCCCR trong mùa khô hanh, thậm chí không chặt cây rừng về làm củi. Giờ đây, trên 90ha rừng trồng (chủ yếu là mỡ, trẩu, keo, bạch đàn), trên 60ha rừng khoanh nuôi đều được bảo vệ tốt, mỗi năm HTX được chi trả từ 70-80 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Được biết, ngoài HTX Xuân Oanh, HTX Voòng Dính, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ có rất nhiều hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng với tổng diện tích đất có rừng toàn huyện là 45.713,05ha. Rừng tập trung nhiều ở các xã: Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ, Pa Vây Sử. Với đặc điểm địa hình phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, nhiều nơi người dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Chính vì vậy, các địa phương trong huyện xác định chăm sóc, bảo vệ rừng là mục tiêu quan trọng. Một mặt để chống xói mòn đất, giữ môi trường sống trong lành, bảo vệ nguồn nước, mặt khác phát triển các loại cây thảo quả, sa nhân dưới tán rừng và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Anh Nguyễn Văn Tuân - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ cho biết: “Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của Nhân dân nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm lâm luật giảm, số vụ cháy rừng, thảm cỏ được kiềm chế đến mức thấp nhất. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng lên, tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng của huyện 43,95% (tăng 0,29% so với năm 2019). Qua đó, góp phần thực hiện tốt nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện hàng năm liên quan đến công tác bảo vệ rừng”.

Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại cơ sở, làm tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR. Phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng đứng chân trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng của huyện lên 45% vào năm 2025.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-r%E1%BB%ABng2021