Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Trước đây, xã Hố Mít (huyện Tân Uyên) được biết đến vùng đất nghèo, với nhiều hủ tục lạc hậu. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, lực lượng Công an huyện trong việc triển khai mở cuộc vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông đã mang lại diện mạo mới cho xã. Từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Hố Mít là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên, toàn xã có 667 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống chiếm 96,68%. Đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: người chết không cho vào áo quan, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tự tử bằng lá ngón xảy ra nhiều đã khiến cho cuộc sống của người dân đã nghèo lại càng nghèo thêm.

Trước thực trạng này, muốn thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con trước hết phải làm cuộc “cách mạng về nhận thức”. Vì vậy, tháng 9/2015, với sự giúp đỡ của UBND huyện, Công an huyện Tân Uyên, UBND xã Hố Mít đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 25/9/2015 về “Mở cuộc vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Hố Mít, đặc biệt là việc xóa bỏ các hủ tục trong việc tổ chức lễ cưới hoặc đám tang”.

Bí thư Chi bộ bản Lầu và cán bộ xã Hố Mít tuyên truyền, vận động bà con trong bản xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Ảnh tư liệu.

Bí thư Chi bộ bản Lầu và cán bộ xã Hố Mít tuyên truyền, vận động bà con trong bản xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Ảnh tư liệu.

Sau khi triển khai cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, thầy mo. Đồng thời, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, các văn bản của Nhà nước quy định về xây dựng nếp sống văn hóa; tổ chức cho các gia đình ký cam kết không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Cùng với đó, tổ chức họp các bản để Nhân dân tham gia Dự thảo “Hương ước thực hiện nếp sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hố Mít”, gồm 4 chương, 12 điều. Sau đó, đề nghị UBND huyện xem xét ra quyết định phê duyệt hương ước để sớm triển khai thực hiện tại các bản trong toàn xã theo các nội dung được quy định trong hương ước.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Hố Mít cho biết: Nhờ thực hiện tốt phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” của cán bộ, chiến sỹ công an đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Hố Mít. Các hộ gia đình, học sinh cấp THCS trở lên đều ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới: không tảo hôn, cưỡng hôn, ép hôn, đổi mới theo hướng tích cực trong việc tổ chức tang lễ, đám cưới không còn tốn kém, kéo dài. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ chuyên cần ở cấp THCS luôn đạt trên 82% (những năm trước chỉ trên 65%). Qua thực tế số vụ kéo vợ và tảo hôn đã giảm so với các năm trước (trong năm 2014 là 14 trường hợp nhưng đến năm 2016 xã không còn xảy ra các vụ ép hôn, số vụ tảo hôn chỉ còn 6 trường hợp).

Sau hơn 5 năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an và chính quyền địa phương thì 100% đám ma của người dân xã Hố Mít đã được thực hiện theo đúng nghi lễ nếp sống văn hóa mới và phù hợp tập quán của dân tộc. Hiện, xã có 6/6 bản đã xây dựng quy ước; đời sống người dân từng bước được cải thiện, năm 2019 xã Hố Mít đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Hố Mít hôm nay đã “thay da đổi thịt”, không còn những con đường đất lầy lội mà thay vào đó đường bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà mới khang trang, vững trãi báo hiệu cuộc sống ấm no đã về trên vùng đất khó. Vui hơn bà con đã thay đổi nhận thức, phát huy được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Tự giác chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, đóng góp tiền, ngày công hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng khác trên địa bàn. Mạnh dạn vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Tráng A Vinh ở bản Trung tâm là hộ đầu tiên của xã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trong ngôi nhà gỗ khang trang anh Vinh tự hào chia sẻ: Với suy nghĩ mình còn trẻ, còn sức khỏe để làm việc mà cứ ỉ lại mãi vào Nhà nước thì không tốt, do đó năm 2019 mình bàn với vợ viết đơn lên xã xin thoát ra khỏi hộ nghèo. Để có nguồn thu nhập, gia đình tích cực tăng gia sản xuất, mạnh dạn đưa các giống lúa, ngô năng suất cao vào trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Đến nay, gia đình có 13 con dê, 5 con bò, trung bình mỗi năm thu 60 bao thóc, 5 tạ sắn, ngô. Trừ chi phí mỗi năm thu nhập được 50 triệu đồng, giờ đây cuộc sống khấm khá hơn, có của ăn của để lo cho con học hành đầy đủ.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cấp ủy chính quyền xã tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ lúa, ngô, tăng cường liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, cây sơn tra, thảo quả để được hưởng lợi từ rừng. Trồng một số loại cây thảo dược quý như: sa nhân tím, cỏ nhung, thất diệp nhất chi hoa. Triển khai xây dựng sản phẩm OCOP của xã là mật ong rừng, hiện tổng số đàn ong trong xã 2.150 đàn. Nhờ vậy, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11/9%.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa mới ở xã Hố Mít đã tạo sức mạnh tổng hợp, ý Đảng thuận lòng dân, đồng bào dân tộc Mông đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%E1%BB%95i-thay-t%E1%BB%AB-n%E1%BA%BFp-s%E1%BB%91ng-v%C4%83n-h%C3%B3a-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-m%C3%B4ng