Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) nhằm đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện/thành phố. Từ đó, hướng đến tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN)...

Không ngừng hoàn thiện

Với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Lai Châu triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thiện về thể chế, nâng cao năng lực điều hành, năng lực đối thoại của chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Trong đó, PCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã khá quen thuộc. Nhưng chỉ số DDCI là khái niệm còn khá mới với nhiều người trên địa bàn. Đây là chỉ số đánh giá và xếp hạng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện/thành phố về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN. Tại tỉnh ta, việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI bắt đầu từ năm 2020.

2020 là năm đầu tiên triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương nhưng DDCI đã thể hiện được sự hiệu quả trong công tác điều hành kinh tế của các sở, ngành và địa phương, góp phần cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nổi bật là chỉ số PCI năm 2020 tăng 6 bậc xếp hạng và tăng 2,03 điểm so với năm 2019.

Các sở, ngành tỉnh nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp.

Các sở, ngành tỉnh nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp.

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe để chỉ số DDCI ngày càng sát thực và hiệu quả cao, sau 1 năm triển khai thực hiện, với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện Bộ chỉ số DDCI của tỉnh để sử dụng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo đó, sau khi điều chỉnh, với cấp sở, ban, ngành, Bộ chỉ số đánh giá dựa trên 9 chỉ số thành phần (tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của sở, ban, ngành; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý; vai trò của người đứng đầu; ứng dụng công nghệ thông tin) với 66 chỉ tiêu đánh giá. Đối với các huyện, thành phố, Bộ chỉ số đánh giá dựa trên 10 chỉ số thành phần (ngoài 9 chỉ số giống với cấp sở, ban, ngành còn thêm 1 chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất) với 69 chỉ tiêu đánh giá.

Là một trong những ngành năm qua có nhiều nỗ lực trong hỗ trợ DN, Sở Công Thương đã tuyên truyền kịp thời các chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong, ngoài nước đến các DN trên địa bàn. Hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh ứng dụng máy móc tiên tiến và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm; quảng bá, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Chín - Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở còn tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) về cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá, trong đó giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc; đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Cung cấp 74 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 48 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 94 dịch vụ công trực tuyến kết nối, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sở Công Thương phấn đấu năm 2021 chỉ số DDCI nằm trong top 10 của cấp sở, ban, ngành.

Công cụ hiệu quả cải thiện chất lượng điều hành

Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả đánh giá DDCI sẽ cung cấp thêm cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả để giám sát, chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Đồng thời, tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh về chất lượng điều hành giữa các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, góp phần vào nỗ lực chung của chính quyền tỉnh trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, DN. Việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI cũng tạo thông tin tin cậy, rộng rãi để DN tham gia đóng góp ý kiến nâng cao năng lực điều hành của chính quyền địa phương các cấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 có những tác động nhất định đến quá trình thực hiện và kết quả đánh giá Bộ chỉ số DDCI của tỉnh. Các điều tra viên tiếp xúc điều tra, khảo sát đối với các DN gặp nhiều trở ngại. Ngoài khảo sát trực tiếp, đánh giá thực địa tại từng địa phương, nhóm khảo sát tiến hành gửi bảng hỏi điện tử (e-form) qua email do DN, HTX, hộ kinh doanh cung cấp như một kênh độc lập, kênh dự phòng song song và khảo sát qua website của UBND tỉnh. Các sở, ngành, địa phương nào thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thì cũng được các DN ghi nhận thông qua kết quả đánh giá Bộ chỉ số DDCI của tỉnh.

Anh Phạm Đức Chín – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mai và Du lịch (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Thời điểm này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Cục Thống kê, các sở, ngành liên quan chuẩn bị tiến hành điều tra, khảo sát đối với các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo tính khách quan, số liệu khảo sát sẽ được đơn vị tư vấn độc lập phân tính kết quả điều tra, tính toán kết quả, xếp hạng và xây dựng báo cáo. Theo kế hoạch, kết quả đánh giá Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Lai Châu năm 2021 sẽ được công bố vào tháng 4 năm 2022.

Việc triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI có ý nghĩa quan trọng trong quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện/thành phố và sở, ngành. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bứt phá về điểm số và thứ hạng PCI, DDCI, UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ, khoa học nhiều giải pháp. Nhất là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyển đổi số, cải cách TTHC, đẩy mạnh hỗ trợ DN, tăng cường đối thoại, kịp thời rà soát, xây dựng các chính sách, quảng bá, xúc tiến đầu tư…

Và, giải pháp quan trọng nhất, đó là: tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Bởi, người lãnh đạo có vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng đến hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh tại mỗi địa phương. Đồng thời, thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng DN nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/lai-ch%C3%A2u-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-v%C3%A0-ho%C3%A0n-thi%E1%BB%87n-ch%E1%BB%89-s%E1%BB%91-ddci