Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sáng 11/1, tại tỉnh Lai Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với một số sở, ngành tỉnh liên quan, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức công bố Dự án 'Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam' (gọi tắt là Dự án AWEEV).

Tham dự điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội có ông Brian Allemekinders - Tham tán Phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Kim Dung - Giám đốc Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an tỉnh; đại diện đơn vị thụ hưởng gồm 3 xã: Thèn Sin, Bản Bo, Bình Lư (huyện Tam Đường)…

Quang cảnh buổi công bố Dự án.

Quang cảnh buổi công bố Dự án.

Tại buổi công bố, đại diện Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam trình bày cụ thể tổng quan về Dự án AWEEV, đặc biệt là cách tiếp cận tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các khảo sát ban đầu và mục tiêu cần đạt được.

Dự án AWEEV được triển khai tại huyện Tam Đường và đối tượng là nam giới, phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc 3 xã: Thèn Sin, Bản Bo và Bình Lư được hưởng lợi. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2025; tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng do Chính phủ Canada tài trợ thông qua Bộ Các vấn đề Toàn cầu, phối hợp CARE.

Dự án AWEEV gồm 2 hợp phần: tăng cường thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam; tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập.

Sau 4 năm thực hiện, kết quả cần đạt được của Dự án AWEEV là 35 nhóm sản xuất chè (liên kết với nhà máy chè tại Tam Đường), thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng cao về kỹ thuật canh tác chè bền vững; 10 mô hình sinh kế ngoài chè với sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số; 70 nhóm cổ phần tài chính tự quản cho phụ nữ/nam giới dân tộc thiểu số được thành lập; 1 mô hình chè đặc sản sẽ được hỗ trợ phát triển…

Với mục tiêu nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, bà Lê Kim Dung - Giám đốc Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam mong muốn các bên đối tác, đơn vị liên quan thực hiện Dự án sẽ dựa vào thế mạnh của mình để cùng cộng tác, học hỏi lẫn nhau. Từ đó, đóng góp vai trò, giá trị bổ sung vào mục tiêu chung phát triển kinh tế, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.

Đại biểu tham gia thảo luận.

Đại biểu tham gia thảo luận.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin nhanh tình hình kinh tế - xã hội của Lai Châu. Đồng thời khẳng định, mặc dù Lai Châu đã đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội chưa được thuận lợi. Đời sống của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và gia đình, người phụ nữ đang là nhân tố quan trọng. Song vẫn phải đảm nhận rất nhiều công việc khác của gia đình và chịu rào cản về định kiến giới trong việc tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội khác.

Tỉnh Lai Châu trân trọng và đánh giá cao Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đã chọn Tam Đường để triển khai thực hiện Dự án. UBND tỉnh mong muốn, Tổ chức CARE phối hợp tốt đối với các đối tác, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tam Đường xây dựng mục tiêu hoạt động cụ thể và tỉnh cam kết chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Dự án AWEEV trên địa bàn đạt kết quả tốt nhất.

Tại buổi công bố đã diễn ra cuộc thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường, người hưởng lợi. Nội dung tập trung vào sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt với phụ nữ dân tộc thiểu số và một số điểm nổi bật từ các nghiên cứu đã thực hiện.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-n%C3%A2ng-cao-v%E1%BB%8B-th%E1%BA%BF-kinh-t%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam-aweev