Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thực hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', huyện Mường Tè luôn chăm lo, quan tâm đến người có công, gia đình chính sách.

Đến thăm gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Mường Tè, chúng tôi luôn cảm thấy xúc động, nghẹn ngào khi nghĩ về những gì mà họ đã đóng góp cho quê hương, đất nước, để có cuộc sống như ngày hôm nay. Dù tuổi cao nhưng những người lính cụ Hồ vẫn mệt mài lao động, tham gia các hoạt động xã hội, góp công sức xây dựng bản làng giàu đẹp.

Được biết, huyện Mường Tè có 117 đối tượng được hưởng chế độ chính sách, trong đó có 64 người có công với cách mạng được hưởng trực tiếp. Để đối tượng chính sách có cuộc sống tốt hơn, ngoài trợ cấp hàng tháng theo quy định, huyện còn thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ để tìm hiểu cuộc sống, những tâm tư, nguyện vọng của các gia đình chính sách. Không chỉ trò chuyện, các cán bộ huyện tìm hiểu điều kiện nơi ở, sinh hoạt, từ đó kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ để người có công vơi bớt khó khăn. Khi các đối tượng chính sách dựng hoặc sửa nhà, ngoài số tiền từ 20 đến 40 triệu đồng theo quy định, huyện còn giúp đỡ, ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng, nhân công, giới thiệu nhà thiết kế...

Ông Lù Văn Pộ (bản Nà Hừ 2, xã Bum Nưa) vui mừng: Tôi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và khi xuất ngũ trở về quê hương thì gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Được huyện, xã quan tâm, tôi được hỗ trợ hơn 80 triệu đồng cộng thêm nhân công, vật liệu xây dựng để làm ngôi nhà mới. Không những vậy, tôi còn được tiếp cận với cây, giống mới để tăng gia sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cán bộ xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chính sách.

Cán bộ xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình chính sách.

Hàng năm huyện Mường Tè kêu gọi và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Quỹ được sử dụng để giúp đỡ các đối tượng chính sách gặp khó khăn trong cuộc sống. Huyện còn hỗ trợ cây trồng, con giống, tổ chức dạy nghề giúp người có công nắm bắt kiến thức, khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khi các gia đình chính sách có công, có việc, huyện cử cán bộ hỗ trợ, lo toàn chu đáo mọi công việc, nhất là trong việc mai táng phí, dựng nhà. Đặc biệt thế hệ trẻ của huyện thường xuyên tổ chức quét dọn nghĩa trang, thăm hỏi giúp người có công, giúp vệ sinh nơi ở, chuồng trại, cùng làm ruộng, nương, khai hoang đất sản xuất, xây dựng đường giao thông tới các gia đình chính sách.

Ông Lò Xì Bầu (bản Lãng Phiếu, xã Nậm Khao) cho biết: Không chỉ ngày tết, Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) mà những ngày thường, cán bộ xã cũng quan tâm động viên, thăm hỏi gia đình tôi, xem tôi cần gì để giúp đỡ. Khi tôi bị bệnh, chính quyền xã hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, giúp tôi sớm vượt qua bệnh tật.

Ngoài ra, huyện còn thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, tu sửa Nhà bia ghi tên liệt sĩ tại xã Ka Lăng, Bum Nưa, thuận tiện cho việc thờ cúng. Mỗi năm từ 1 đến 2 lần, huyện tổ chức cho người có công đi điều dưỡng, thăm quan các di tích trong và ngoài tỉnh.

Anh Lý Công Hòa – Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Chăm lo cuộc sống người có công, ngoài sự hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, huyện tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng; thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách; hỗ trợ cây trồng, con giống giúp người có công xóa đói giảm nghèo.

Nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cuộc sống của người có công, gia đình chính sách đã được cải thiện và nâng lên. Qua đó, ngày càng tô điểm thêm cho truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ch%C4%83m-lo-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%C3%B3-c%C3%B4ng