Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo nghề (ĐTN), chuyển giao nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ.
Hàng nghìn phụ nữ được dạy nghề, giới thiệu việc làm
Đồng chí Lý Hồng Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Những năm qua, các cấp hội trong toàn tỉnh luôn chú trọng, chủ động phối hợp ĐTN cho hội viên, phụ nữ. Qua đó, giúp chị em có thêm kiến thức để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các cấp Hội đã tổ chức hơn 250 lớp ĐTN truyền thống, kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi, thổ cẩm, làm tóc… cho trên 21 nghìn lượt lao động nữ nông thôn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 1.957 phụ nữ sau ĐTN.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện, công tác ĐTN cho phụ nữ được các cấp Hội LHPN thành phố Lai Châu quan tâm triển khai, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LBTBXH) thành phố thực hiện. Năm 2021, Hội tuyên truyền, vận động được 350 chị em tham gia 13 lớp ĐTN (trong đó: 1 lớp nghề tạo mẫu tóc do Hội LHPN tỉnh tổ chức; 2 lớp nuôi lợn thương phẩm; 2 lớp trồng nấm; 2 lớp pha chế, buồng bàn...). Thẩm định, rà soát cho 16 hộ vay với tổng số tiền 160 triệu đồng từ nguồn quỹ “Vì phụ nữ nghèo” để chăn nuôi, buôn bán. Năm 2022, thẩm định và cho 6 hộ vay vốn với dư nợ 80 triệu đồng để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh. Đặc biệt, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thẩm định cho các hộ hội viên kinh doanh, buôn bán vay không tài sản thế chấp với tổng dư nợ 5,1 tỷ đồng; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với 21 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ tính đến ngày 30/5/2022 gần 42 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN thành phố chia sẻ: Dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho hội viên là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng của Hội, gắn với thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Do đó, việc đề xuất, tổ chức các hoạt động để ĐTN, giải quyết, hỗ trợ chị em khởi nghiệp, có việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố tạo điều kiện. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với Phòng LBTBXH thành phố tổ chức 12 lớp ĐTN. Đồng thời, sẽ cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội cơ sở tích cực vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia các lớp.
Đa dạng ngành nghề đào tạo
Ngoài dạy các nghề truyền thống, từ năm 2020, để đổi mới, đa dạng hơn ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, phù hợp nhu cầu thị trường, Hội LHPN tỉnh kết nối, phối hợp với Công ty TNHH LOREAL Việt Nam thực hiện “Chương trình hỗ trợ gia đình nghèo thay đổi cuộc sống tại tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2022”. Hội đã phối hợp tổ chức 6 lớp dạy nghề làm tóc miễn phí cho 136 học viên nữ trong toàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm, đam mê nghề tóc, mong muốn có việc làm và thu nhập ổn định. Không những vậy, các cấp Hội cơ sở còn mở các lớp nghề đáp ứng linh hoạt yêu cầu thị trường như dạy pha chế, buồng bàn...
Cùng với dạy nghề, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chủ động phối hợp hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tổ liên kết phát triển sản xuất, mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho phụ nữ. Điển hình như: HTX Nông nghiệp và dịch vụ, tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Nậm Loỏng; tổ liên kết và tiêu thụ bánh truyền thống xã San Thàng (thành phố Lai Châu); tổ liên kết kinh doanh các món ăn dân tộc tại thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè); mô hình nuôi dê tại xã Khoen On (huyện Than Uyên), xã Vàng San (huyện Mường Tè) và xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn); mô hình nuôi giun trùn quế tại xã Tả Phìn (huyện Sìn Hồ)...
Gần 1.700 hộ hội viên thoát nghèo
Qua các lớp dạy nghề, hội viên, phụ nữ được tiếp cận với kiến thức KHKT mới, cách tổ chức mô hình phát triển kinh tế, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Nhiều chị sau học nghề mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, phát triển các ngành nghề phù hợp với thực tế địa phương. Đa số tự tạo việc làm tại chỗ. Ngoài ra, chị em còn được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất như: trồng rau xanh, cây ăn quả, nuôi lợn nái, dê sinh sản… Nhờ vậy, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đáng mừng, đã có 1.674 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được các cấp Hội giúp thoát nghèo.
Tuy nhiên, Hội LHPN tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền, khảo sát nhu cầu học nghề, tư vấn học nghề cho lao động nữ còn chưa thường xuyên. Do đó, nghề đào tạo chưa sát với thực tế của từng địa phương và nhu cầu học nghề. Hội phụ nữ các cấp không được cấp kinh phí tổ chức các hoạt động dạy nghề mà chỉ phối hợp với các cơ quan có chức năng để thực hiện. Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua ảnh hưởng lớn tới việc làm, thu nhập của chị em. Hội viên phụ nữ ở tỉnh ta đa phần là dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức, trình độ, khả năng tiếp thu KHKT mới còn hạn chế nên lao động nữ nông thôn qua ĐTN tỷ lệ còn thấp, thu nhập chưa cao, đời sống nhiều khó khăn.
Để góp phần tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hội viên, đồng chí Lý Hồng Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, năm 2022 và những năm tiếp theo, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội: đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động - việc làm, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới; vận động hội viên tham gia các lớp dạy nghề, đảm bảo thích ứng trong điều kiện dịch bệnh. Đa dạng hóa các hình thức ĐTN phù hợp với nhu cầu, việc làm tại địa phương. Trong đó chú trọng lao động nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ đi làm ăn xa trở về địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay qua các ngân hàng, chương trình, dự án...