Xã luận: Điểm nhấn quan trọng cho bầu không khí hợp tác sôi động

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, từ ngày 24 đến 27-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tổ chức tại TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (gọi tắt là Hội nghị WEF Đại Liên) và làm việc tại Trung Quốc.

Hội nghị WEF Đại Liên năm 2024 do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức, có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos. Với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, hội nghị năm nay sẽ tập trung thảo luận các lĩnh vực, động lực tăng trưởng mới, đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, nhiều tiềm năng. Cụ thể, hội nghị tập trung vào 6 chủ đề, gồm: Chu kỳ mới của tăng trưởng kinh tế; Trung Quốc và thế giới; Khởi nghiệp trong thời đại trí tuệ nhân tạo; Các xu thế chuyển đổi của các ngành công nghiệp; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; Cách tiếp cận hệ thống đối với khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15. Ảnh: Dangcongsan.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15. Ảnh: Dangcongsan.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc trong bối cảnh hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng được củng cố, phát triển, đi vào chiều sâu. Trước đây, Việt Nam đã nhiều lần tham dự các Hội nghị WEF Davos, WEF khu vực ở cấp lãnh đạo Chính phủ, qua đó thúc đẩy thực chất quan hệ với WEF. Hiện nay, hai bên đang tích cực triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026 được ký kết tại Hội nghị WEF Thiên Tân vào tháng 6-2023.

Trong khi đó, thời gian qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt được nhiều tiến triển quan trọng, nhất là sau hai chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (năm 2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (năm 2023) cùng với các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa hai bên. Việc hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành hai nước, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực. Cùng với việc tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau với kim ngạch thương mại 4 tháng đầu năm 2024 tăng 24,8%, đạt 59,7 tỷ USD. FDI của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh (tăng 77% trong năm 2023) với sự xuất hiện nhiều hơn của các dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn có uy tín như WEF Đại Liên nhằm nắm bắt các xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu và cấp quốc gia; thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam với WEF cũng như các nền kinh tế lớn, các tập đoàn toàn cầu và khu vực, từ đó tranh thủ nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang đi sâu triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây còn là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, các ưu tiên, định hướng phát triển của đất nước.

Thông qua các cuộc trao đổi, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng góp phần duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và hai bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư hai Đảng. Đồng thời, chuyển tải thông điệp nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam tới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau khi Việt Nam kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Ngoài ra, các hoạt động song phương của Thủ tướng tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất có tiến triển mới giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu như: Kết nối đường sắt qua biên giới, hợp tác kinh tế biên giới, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch, thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chuyến tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo thêm điểm nhấn quan trọng cho bầu không khí hợp tác sôi động, hiệu quả giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như với các quốc gia khác.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xa-luan-diem-nhan-quan-trong-cho-bau-khong-khi-hop-tac-soi-dong-782356