Xã Mỹ Long Bắc: Phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang chú trọng công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao giữ vững các tiêu chí xã NTM nâng cao.

Đồng chí Phương Thị Thúy Hảo (bên trái), Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc khảo sát thực tế nắm tình hình vận động người dân mua BHYT tại ấp Bến Đáy B.

Đồng chí Phương Thị Thúy Hảo (bên trái), Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc khảo sát thực tế nắm tình hình vận động người dân mua BHYT tại ấp Bến Đáy B.

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện tiêu chí y tế

Đồng chí Phương Thị Thúy Hảo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc cho biết: Mỹ Long Bắc là xã anh hùng và được công nhận xã văn hóa - NTM vào năm 2015 và tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Để giữ vững các tiêu chí xã NTM nâng cao tiến tới xã NTM kiểu mẫu, hiện nay xã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện tiêu chí 14 (về y tế). Để đạt chỉ tiêu 98% người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong XDNTM kiểu mẫu, từ nay đến cuối năm 2023, xã chỉ đạo các ngành đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phụ trách hỗ trợ từng ấp rà soát, vận động người dân tích cực tham gia mua BHYT. Đối với những hộ khó khăn, các ngành đoàn thể vận động thành lập tổ góp vốn xoay vòng, thực hiện xã hội hóa giúp các hộ khó khăn có điều kiện tham gia BHYT với hình thức mua theo quý hoặc 06 tháng.

Ấp Bến Đáy B là 01 trong 06 ấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giúp các hộ đời sống khó khăn được tham gia BHYT.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Ban Nhân dân ấp Bến Đáy B cho biết: hiện ấp có 242 hộ dân, trong đó Ban Nhân dân ấp phối hợp với đoàn thể ấp vận động xã hội hóa hỗ trợ 25 thẻ BHYT cho những hộ hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, Ban Nhân dân ấp phối hợp với Chi hội Phụ nữ ấp vận động thành lập 02 tổ phụ nữ hùn vốn xoay vòng với 20 thành viên tham gia đóng góp 200.000 đồng/tháng/hội viên. Từ số tiền này, các tổ họp bàn bạc thống nhất hỗ trợ xoay vòng cho những hộ khó khăn, hộ có mức sống trung bình để tham gia BHYT. Đến nay, ấp còn 25 người chưa tham gia BHYT, do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập phần lớn dựa vào làm thuê theo mùa vụ…

Bà Nguyễn Thị Thủy, hội viên phụ nữ ấp Bến Đáy B năm nay 66 tuổi thuộc hộ người già neo đơn không ruộng đất, hàng ngày bà mua khoai lang, khoai mì nấu đem ra chợ thị trấn Mỹ Long bán, thu nhập 30.000 - 50.000/ngày. Do thu nhập thấp nên điều kiện mua BHYT để khi cần thiết sử dụng đối với bà rất khó khăn. Hiểu được hoàn cảnh của bà, chi hội phụ nữ ấp xét hỗ trợ vốn xoay vòng giúp bà có điều kiện mua BHYT.

Bà Thủy bộc bạch: có được thẻ BHYT để sử dụng khi cần thiết tôi rất phấn khởi, tuổi già sức yếu thường xuyên bệnh huyết áp, nhức mỏi, có thẻ BHYT đi khám bệnh lãnh thuốc về uống đỡ vất vả hơn phải mua thuốc bên ngoài.

Bà Trần Thị Ngọc Nhiên, ngụ cùng ấp cho biết thêm: hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, kinh tế gia đình dựa vào làm thuê theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh. Vào mùa làm thuê, bà lãnh hạt điều về bóc vỏ, bình quân 03 - 04kg/ngày, thu nhập trên 27.000 đồng. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng được địa phương xét hỗ trợ vốn xoay vòng nên có điều kiện mua BHYT cho 02 vợ chồng. Do thu nhập bấp bênh nên bà chỉ mua BHYT chu kỳ 06 tháng và làm thuê dành dụm đến 06 tháng mua tiếp. Mua theo từng đợt như vậy, lo dễ hơn mua 01 lần cho cả gia đình.

Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Phát huy lợi thế và đánh thức tiềm năng kinh tế, giảm nghèo ở vùng nông thôn, xã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, xã luôn chú trọng phát triển kinh tế đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người dân nắm vững các quy trình sản xuất, chăn nuôi áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho gia đình. Từ đầu năm 2023 đến nay xã vận động nông dân chuyển đổi 350ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng màu như dưa hấu, bí đỏ, ớt chỉ thiên, rau màu các loại, năng suất đạt từ 25 - 35 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Trại nuôi gà của gia đình nông dân Trần Tố Phương.

Trại nuôi gà của gia đình nông dân Trần Tố Phương.

Song song với thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, mô hình nuôi gà đệm lót sinh học trên đất trồng lúa kém hiệu quả của nông dân Trần Tố Phương, ấp Bến Kinh, xã Mỹ Long Bắc được đánh giá mang lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương. Để cải thiện kinh tế gia đình, ông Phương mạnh dạn chuyển đổi hơn 0,5ha đất lúa kém hiệu quả sang xây dựng chuồng trại theo quy trình khép kín để nuôi gà đệm lót sinh học. Hình thức nuôi, ông đầu tư mặt bằng, chuồng trại và liên kết với Công ty TNHH TM Vietlight (tỉnh Vĩnh Long) nuôi gia công.

Với 05 chuồng trại nuôi xoay vòng 04 đợt/năm, mỗi trại nuôi Công ty cung ứng từ 11.000 - 12.000 con gà giống lai chọi, thuốc, thức ăn trong suốt quá trình nuôi. Ông Phương có trách nhiệm đầu tư vật tư như mặt bằng, chuồng trại, thuê nhân công chăm sóc. Mỗi đợt xuất bán, ông Phương được hưởng lợi 12.000 đồng/con gà.

Ông Phan Châu Bình, quản lý kỹ thuật nuôi gà của gia đình ông Phương cho biết: nuôi gà đệm lót sinh học đòi hỏi kỹ thuật cao, nhất là những ngày đầu, thường xuyên tiêm và nhỏ thuốc vắc-xin cho gà khoảng 07 - 08 lần nhằm tăng sức đề kháng cho gà nuôi. Trong quá trình nuôi, chú ý liều lượng thức ăn đúng, đủ, kịp thời, quan trọng thường xuyên theo dõi thời tiết chuyển mùa để kịp thời phát hiện gà bị bệnh mà phòng trị sớm, hạn chế rủi ro. Điều đáng lưu ý hơn, sau khi xuất bán, vệ sinh khử trùng chuồng trại thật kỹ để hạn chế dịch bệnh. Nhờ chủ động phòng ngừa và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, hơn 05 năm nay, nên nuôi gà thuận lợi.

Với 05 chuồng trại, bình quân sản lượng xuất bán giao Công ty khoảng 24 tấn, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/trại. Vừa qua, ông Phương xuất bán 03 trại, giá bán 57.000 đồng/kg, lợi nhuận 113 triệu đồng/trại.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/xa-my-long-bac-phan-dau-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-32742.html