Xã Nam Phong chung sức xây dựng cuộc sống mới
Chúng tôi trở lại thăm xã Nam Phong (Cao Phong) vào những ngày trung tuần tháng 6. Diện mạo của xã đã thay đổi rất nhiều so với cách đây vài năm. Con đường từ quốc lộ 6 đi qua xóm Nam Thái, qua trung tâm xã đến xóm Trẹo Trong dài khoảng hơn 2 km rộng rãi, thênh thang như ở phố thị. Tường rào, sân vườn nhà dân được quy hoạch xây dựng gọn gàng, văn minh, sạch đẹp.
Đồng chí Bùi Văn Chức, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nam Phong giới thiệu: Đây là con đường nông thôn mới (NTM), không có kinh phí đền bù. Cán bộ và nhân dân đã tự nguyện hiến đất, cây màu, phá dỡ tường rào để xây dựng, giờ đã trở thành một trong những con đường đẹp của huyện. Không chỉ có vậy, hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế đã được đầu tư phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Đường giao thông nối ra tận ruộng đồng. Các tiềm năng về đất đai, lao động được khai thác, góp phần giảm nghèo bền vững. Ở xã Nam Phong, cán bộ và nhân dân đồng thuận cao trong quá trình xây dựng NTM. Xóm Trẹo Trong có hơn 100 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp, tập trung trồng mía, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, đời sống nhân dân đang thay đổi tích cực. Xóm có nhiều hộ có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 7,6%... Người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Trao đổi với đồng chí Đinh Duy Thích, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong được biết: Năm 2016, xã đạt chuẩn NTM. Hiện, xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học được đầu tư và cải thiện mạnh. Chất lượng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa được nâng cao rõ rệt. Các xóm có nhà văn hóa, sân tập thể thao, cơ sở vật chất đầy đủ. Xã chỉ đạo sáp nhập thành công xóm Ong 1 và Ong 2 thành xóm Ong; trường tiểu học và THCS thành trường liên cấp. Sau sáp nhập, cán bộ và nhân dân rất phấn khởi. Xã đã cơ bản chuyển đổi diện tích đất lúa không hiệu quả sang các loại cây mía, cam, quýt, bưởi có giá trị cao hơn. Mấy năm nay, giá mía lên xuống, thế nhưng mía vẫn là cây trồng chủ lực của Nam Phong với diện tích khoảng 270 - 280 ha.
Nam Phong cũng là xã tiên phong đưa giống mía nuôi cây mô vào sản xuất. Đây là loại giống có chất lượng tốt, dóng dài, mềm, có khả năng đề kháng với các loại sâu bệnh thông thường. Diện tích mía nuôi cây mô của xã đã đạt khoảng 50 ha, tập trung ở các xóm Trẹo 1, Trẹo 2 và Trẹo Trong... Thu nhập từ trồng mía nuôi cây mô khoảng từ 150 - 200 triệu/ha. Bình quân mỗi gia đình trồng từ 5.000 - 6.000 m rạch, thu khoảng 3 - 4 vạn cây, giá bản ổn định khoảng 4.000 đồng/cây cũng có thể thu trên dưới trăm triệu đồng. Tới đây, xã định hướng mở rộng diện tích trồng mía theo hình thức nuôi cây mô ra toàn địa bàn. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả của Nam Phong hiện có 150 ha, trong đó đã có gần 1/2 cho thu hoạch, cùng với phát triển trồng rừng, chăn nuôi, mở mang một số dịch vụ đang góp phần quan trọng cải thiện bền vững cuộc sống người dân.
Đến nay, xã chỉ còn 80/1.057 hộ nghèo, bằng 7,56%, giảm 15 hộ so với năm 2018. Xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Xã đã có lò đốt rác, tổ gom rác vận chuyển rác về bãi xử lý, từng bước giải quyết những khó khăn về môi trường nông thôn. Chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân tiếp tục được cải thiện. Xã duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học, tiếp tục hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS cho học sinh trong độ tuổi. Người dân tích cực hiến đất để mở rộng các tuyến đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, cổng ngõ, tường rào xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.