Xã nghèo về đích nông thôn mới trước thời hạn

Năm 2012, Phước Lộc khởi động xây dựng nông thôn mới (NTM) từ điểm xuất phát là xã nghèo của huyện Ðạ Huoai, với gần 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Nhưng bằng sự quyết tâm cao của Ðảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của Nhân dân đã giúp Phước Lộc về đích NTM trước thời hạn 1 năm.

Sầu riêng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Phước Lộc

Sầu riêng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Phước Lộc

Xã Phước Lộc, Đạ Huoai có khoảng 690 hộ dân, với hơn 3.900 nhân khẩu. Trong đó, bà con đồng bào DTTS Châu Mạ và K’Ho chiếm hơn 82% dân số. Năm 2011, toàn xã Phước Lộc có đến 78% hộ nghèo. Đây là những trở ngại lớn khi địa phương bắt tay vào xây dựng NTM. Đổi lại, Phước Lộc cũng có không ít thuận lợi khi có đến hơn 8.000 ha đất tự nhiên, trong đó có 1.456 ha đất sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, địa phương còn nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua nhiều nguồn vốn, chương trình, dự án.

Phát huy những thuận lợi và nhận rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua, quan điểm xuyên suốt trong xây dựng NTM của Phước Lộc là “lấy sức dân lo cho cuộc sống của dân” mà theo như ông Nguyễn Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho rằng “để đạt được kết quả đó, phải được dân tin vào chủ trương, chính sách để đoàn kết, đồng lòng cùng thực hiện”.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2012, ông K’Đình (thôn Phước Trung, xã Phước Lộc) đã hiến gần 1.000 m2 đất làm đường, từ đó phong trào hiến đất, góp công làm đường cứ thế lan rộng ra toàn xã. Đó chính là cơ sở để Phước Lộc đạt trên 90% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, bê tông hóa vào cuối năm 2019. Trong đó, người dân địa phương đã đóng góp hơn 800 triệu đồng, hàng ngàn ngày công và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất xây dựng hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh làm đẹp, xây dựng các khu dân cư thành “nơi đáng sống” và đầu tư cho con em học hành, người dân Phước Lộc còn chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đáng chú ý là công tác quy hoạch được thực hiện bài bản, đồng bộ, phát huy được lợi thế của địa phương. Toàn xã có 3 loại cây trồng chủ yếu được quy hoạch là nâng cao năng suất, chất lượng cây điều; chú trọng đầu tư phát triển cây sầu riêng ghép chất lượng cao và phát triển cây chè dưới tán điều, cây ăn quả. Tất cả đều được người dân hưởng ứng thi đua phát triển sản xuất thành một phong trào thường xuyên, liên tục và rộng khắp.

Để đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu, xã Phước Lộc đề xuất với ngành Nông nghiệp và UBND huyện Đạ Huoai hỗ trợ, đầu tư kinh phí giúp bà con chuyển đổi một số cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ đó, cây chè cành được nhà nhà ở Phước Lộc đưa vào trồng dưới tán điều, cây ăn quả để tăng thu nhập. Đến nay, toàn xã đã có hơn 150 ha chè dưới tán điều mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/ha/tháng cho bà con.

Đặc biệt, với lợi thế đất đai màu mỡ phù hợp với các loại cây ăn quả có múi, Phước Lộc đã nhanh chóng vận động và hỗ trợ kinh phí khuyến khích bà con đưa cây sầu riêng vào trồng; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng sầu riêng cho bà con. Đến nay, Phước Lộc đã phát triển được hơn 400 ha cây sầu riêng; trong đó, có gần 240 ha đã cho thu hoạch. Từ đây, Hợp tác xã sản xuất sầu riêng VietGAP xóm Sình Mây (thôn Phước Trung) được thành lập và quy tụ 20 hộ dân tham gia, với diện tích sầu riêng lên đến hơn 80 ha. Ông Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sầu riêng VietGAP xóm Sình Mây cho biết: “Hiện nay, các vườn sầu riêng VietGAP tại xóm Sình Mây đều đạt năng suất trung bình từ 10 - 12 tấn/ha, thậm chí có những vườn đạt năng suất từ 15 - 20 tấn/ha”.

Thống kê, khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi hộ tham gia vào hợp tác xã nêu trên đều có thu nhập từ 800 triệu đồng đến 3 tỷ đồng từ cây sầu riêng.

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Lực: Chính sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân đã đưa mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đã đạt 38,5 triệu đồng trong năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 2,92%. Địa phương cũng duy trì thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS đạt 100%... Qua đó, giúp bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày một được nâng cao. Đây là cơ sở để Phước Lộc được UBND Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019 (trước thời hạn 1 năm so với thời hạn đã đăng ký vào năm 2020). Với thành tích này, xã chúng tôi vinh dự được huyện Đạ Huoai trao tặng nguồn kinh phí 500 triệu đồng.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202003/xa-ngheo-ve-dich-nong-thon-moi-truoc-thoi-han-2991630/