Xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới): Hướng đi triển vọng các mô hình chuyển đổi

Những năm gần đây, bên cạnh trồng lúa truyền thống, nhiều hộ nông dân ở xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) đã chuyển đổi thành công một số diện tích ruộng sâu trồng lúa năng suất thấp sang mô hình lúa-cá-vịt hoặc trồng sen xen nuôi cá… Các mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được người dân chú trọng nhân rộng.

Dẫn chúng tôi “mục sở thị” các mô hình, bà Đào Thị Mỹ Lài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Ninh thông tin, địa phương có trên 366ha đất nông nghiệp, trong đó, 145ha trồng lúa. Từ năm 2003, xã đã manh nha thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, những mô hình đa canh, xen canh nhằm phá thế độc canh cây lúa, đem lại cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích…

Gia đình ông Đào Hữu Xuân là một trong những hội viên nông dân HTX Trung Nghĩa ở xã Nghĩa Ninh quyết định chuyển đổi diện tích ruộng sâu trồng lúa năng suất thấp sang thực hiện mô hình lúa-cá kết hợp. Ông Xuân chia sẻ: “Đất ruộng ở đây có độ P.H khá ổn định, ít bị nhiễm mặn hay chua, nên môi trường cá có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Quy trình nuôi là sau khi gieo tầm 1 đến 1,5 tháng, lúc này lúa đã cứng cây thì bắt đầu thả cá vào ruộng. Cá gồm nhiều loại, như: trắm, gáy, rô phi, chép... Sau khi gặt lúa xong, gia đình tiến hành thu hoạch cá đồng…”.

Theo một số hộ dân thực hiện cho hay, với mô hình lúa-cá, người dân bỏ vốn ít, lại không đòi hỏi quá nhiều công sức hay kỹ thuật chăm sóc, bởi chỉ cần lấy nước một lần vào hồ vừa nuôi cá, vừa trồng lúa. Thả cá vào ruộng, cá tận dụng thức ăn từ ruộng lúa và lội sục bùn cho lúa phát triển, giúp trừ diệt nhiều loại sâu bệnh, hạn chế chuột bọ. Ngoài ra, phân cá còn bổ sung thêm nguồn dinh màu mỡ bồi đắp cho cây lúa phát triển khỏe mạnh. Đáng nói, các loại cá thả ở ruộng sinh trưởng rất tốt và khi thu hoạch đạt từ 1,5-2kg/con, chất lượng thịt lại săn, dai hơn cá nuôi ao, hồ nên tiêu thụ rất nhanh. Mỗi năm trồng 2 vụ lúa (năng suất trung bình 57 tạ/ha) thì tương đương nuôi 2 vụ cá (sản lượng gần 4 tạ/ha) và sau khi trừ chi phí, lãi ròng khoảng 50 triệu đồng/năm/ha....

Ông Đào Văn Chức kiểm tra mô hình sen-cá chuẩn bị thu hoạch.

Ông Đào Văn Chức kiểm tra mô hình sen-cá chuẩn bị thu hoạch.

Sau một thời gian nhận thấy mô hình lúa-cá cho thu nhập cao, nhiều hộ gia đình trong xã học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Vì vậy, từ vài hộ nhỏ lẻ ban đầu tham gia, đến nay, toàn xã Nghĩa Ninh có 20 hộ chuyển đổi thành công ruộng sâu trồng lúa năng suất thấp sang mô hình lúa-cá với tổng diện tích trên 15ha. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã tìm tòi và nhân rộng mô hình lúa-cá kết hợp chăn nuôi vịt. Đây là mô hình cấy lúa hữu cơ kết hợp thả cá và chăn vịt. Cụ thể, sau khi thu hoạch xong lúa và cá, bà con nông dân sẽ tận dụng khoảng nghỉ giữa 2 mùa vụ để chăn vịt, nhằm gia tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế; đồng thời, giúp giải quyết vấn đề sâu bệnh mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2019, một vài hộ dân trên địa bàn xã Nghĩa Ninh còn mạnh dạn triển khai mô hình trồng sen-nuôi cá trên diện tích đất ruộng. Tiên phong trong việc thử nghiệm mô hình này là gia đình ông Đào Văn Chức. Ông Chức cho biết, mô hình sen-cá được gia đình triển khai thí điểm trong 2 năm với diện tích gần 3ha và bước đầu cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác, nhất là so với cây lúa. Trong khi đó, sen là loại dễ trồng, chi phí ban đầu thấp, ít sâu bệnh, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, không tốn công chăm sóc và phù hợp đồng đất địa phương. Theo đó, sen được trồng 1 vụ/năm bắt đầu từ tháng 2 và sau 4-5 tháng có thể cho thu hoạch rải rác trong 1-2 tháng. Trồng sen rất dễ bán vì các thương lái đến thu mua tận nơi với giá đầu vụ sen hạt khoảng từ 50-60 nghìn đồng/kg và cuối vụ khoảng 30.000 đồng/kg. Từ mô hình sen-cá, trung bình 1ha, gia đình ông thu lãi trên 100-120 triệu đồng/năm. Hiện, mô hình sen-cá thu hút 5 hộ dân trong xã tham gia với diện tích khoảng 10ha.

Đánh giá về các mô hình chuyển đổi, bà Đào Thị Mỹ Lài khẳng định, đây là những mô hình thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, nhằm khai thác, tận dụng lợi thế diện tích đất ở vùng trũng thấp và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Qua đó, tạo việc làm cho lao động, nâng mức thu nhập kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Với hướng đi triển vọng này, thời gian tới, Hội Nông dân xã Nghĩa Ninh tiếp tục khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi diện tích ruộng sâu trồng lúa năng suất thấp sang các mô hình trồng lúa-sen, lúa-cá, kết hợp nuôi vịt…; đồng thời, tạo điều kiện về nguồn vốn, tập huấn kỹ thuật, giúp bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ổn định đời sống.

Mai Ngọc

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/xa-nghia-ninh-tp-dong-hoi-huong-di-trien-vong-cac-mo-hinh-chuyen-doi-2189528/