Xã Ngổ Luông: Nâng cao thu nhập từ trồng rừng
Tận dụng địa hình đồi núi vùng cao, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Ngổ Luông (Tân Lạc) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, khai thác lợi ích từ rừng, biến khó khăn thành lợi thế, nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Bùi Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Do đặc thù địa hình đồi núi, ít bãi bằng canh tác, nghề trồng rừng và chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Hiện, tổng diện tích rừng toàn xã đạt 3.328,25 ha, trong đó diện tích rừng sản xuất 612 ha, chủ yếu là cây họ tre, nứa, vầu, sặt. Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn lực, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thương hàng hóa, đi lại của bà con”.
Với đặc thù vùng núi cao, thiếu nước tưới, thiếu bãi bằng canh tác, việc tận dụng đất đồi để phát triển lâm nghiệp, cây chịu hạn, chịu rét như họ tre, nứa được xem là phù hợp. Đến mùa thu hoạch, các xóm tấp nập xe tải của tư thương đến thu mua. Hiện, mỗi năm xã thu hoạch trên 120 tấn cây lâm nghiệp các loại, thu trên 4,5 tỷ đồng, chủ yếu cây tre, sặt với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/cây. Măng sặt cũng được người dân trồng, khai thác thường xuyên với giá thu mua trung bình 15.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ, đầu ra ổn định. Đi dọc tuyến đường về trung tâm xã, các xóm đều phủ màu xanh của tre, vầu, sặt. Đây là loại cây có bộ rễ khỏe, chịu hạn tốt, loại đất nào cũng trồng được, nhất là đất pha đá vôi đặc trưng của vùng cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Hộ trồng ít 1 - 2 ha, nhiều 5 - 7 ha cây lâm nghiệp các loại.
Anh Bùi Văn Dực, xóm Luông Cá trồng rừng đã nhiều năm, bên cạnh công việc chăn nuôi thì 5 ha sặt cũng phát triển ổn định. Trồng sặt vừa thu lấy cây vừa lấy măng, không tốn công chăm sóc, cắt tỉa, có thêm thời gian chăm sóc đàn bò, lợn, gà để tăng thêm thu nhập. Hàng năm, anh trồng gối, bán vài nghìn m2 sặt, măng 15.000 đồng/kg, thu hái thường xuyên, mỗi năm thu nhập trên 70 triệu đồng từ trồng rừng.
Cùng với việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ nghề trồng rừng, xã duy trì tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Hiện, tổng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ của xã đạt 2.716,5 ha, với thảm thực vật phong phú, lâm sản quý, có vai trò điều hòa khí hậu và nguồn nước cho người dân quanh vùng. Nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng, bảo vệ rừng, giúp nâng cao thu nhập, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, khí hậu trong lành. Mỗi mùa nắng nóng, thời điểm dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng, xã cùng các lực lượng chức tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát dọn thực bì, đốt nương đúng cách, tuân thủ các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Việc khai thác lợi thế, tiềm năng từ rừng cùng đẩy mạnh chăn nuôi, nâng cao thu nhập giúp giải quyết vấn đề thiếu bãi bằng, đất sản xuất tại xã vùng cao, tạo việc làm, góp phần phát triển KT-XH. Hiện, toàn xã trồng 345 ha ngô, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha, rau các loại 24 ha, cỏ voi 20 ha; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi với 323 con trâu, 854 con bò, 836 con lợn, 146 con dê, gia cầm trên 10.000 con. Công tác tiêm phòng, khử trùng, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi được triển khai thường xuyên. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 21,9%.