Xả nhiều rác, trả nhiều tiền
Quy định phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được tính theo nguyên tắc 'người gây ô nhiễm phải trả tiền là một quy định văn minh, phù hợp xu thế chung của thế giới.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV quy định từ năm 2025 người dân sẽ không đóng phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) bình quân theo hộ như hiện nay mà đóng theo khối lượng rác thải phát sinh. Đây là quy định bảo đảm công bằng cho tất cả mọi người.
Quy định này xuất phát từ thực trạng nhức nhối trong xử lý RTSH hiện nay. Hình ảnh những bãi chôn lấp RTSH đầy ứ, ngập ngụa, bốc mùi hôi thối nồng nặc xuất hiện nhiều nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, làm lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tác động xấu và lâu dài tới môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước phát sinh khoảng 10 triệu tấn RTSH. Lượng rác thải gia tăng chóng mặt với tốc độ từ 10 - 12%/năm. Tại Hải Dương, mỗi ngày các địa phương thải ra gần 800 tấn RTSH. 67% lượng RTSH có thành phần thực phẩm, hữu cơ; khoảng 26% là vật liệu có thể tái chế như giấy bìa, túi nilon, nhựa, thủy tinh, kim loại và lượng rác thải không thể tái chế chỉ chiếm khoảng 7%.
Trước thực tế này, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) coi RTSH là một dạng tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng. Mặc dù vậy, để có thể tái sử dụng loại tài nguyên này, yếu tố quan trọng nhất là phải phân loại rác thải tại nguồn đi kèm với công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là xử lý rác thải phải đồng bộ từ phân loại, thu gom đến vận chuyển, xử lý. Hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn chưa thực hiện được do chưa có chế tài đủ mạnh và cơ chế vận hành phù hợp. Tại tỉnh ta, người dân vẫn có thói quen dồn tất cả rác vào một túi. Rác được vận chuyển ra bãi chôn lấp tập trung hoặc xử lý bằng phương pháp đốt trong các nhà máy. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2020, tỷ lệ RTSH được thu gom, xử lý trong tỉnh đạt gần 90%.
Phí thu gom, xử lý rác thải vẫn tính bình quân theo đầu người hoặc theo gia đình, từ 4.000 - 6.000 đồng/người/tháng. Từ lâu, cách thu này đã không bảo đảm sự công bằng giữa các gia đình vì hộ xả nhiều cũng như hộ xả ít rác đều chỉ phải nộp một mức giá. Điều này không khuyến khích giảm phát thải tại nguồn, tạo gánh nặng cho ngân sách vì đóng góp của các gia đình chỉ bảo đảm một phần nhỏ kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Để giải quyết những hạn chế này, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định phí thu gom, xử lý RTSH sẽ tính theo khối lượng rác thải ra theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Với quy định này thì ai thải nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền. Một quy định văn minh, phù hợp xu thế chung của thế giới. Quy định cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân, buộc họ phải sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và chính cuộc sống của bản thân.
Từ nay đến năm 2025 là khoảng thời gian đủ dài để chính quyền các địa phương và cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác thải tại nguồn cũng như chấp nhận nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý thích hợp". Xây dựng cơ chế quản lý, cách thức thu gom phù hợp để khích lệ người dân hình thành thói quen tốt, đưa việc phân loại rác thải tại nguồn đi vào nền nếp.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/xa-nhieu-rac-tra-nhieu-tien-152552