Xả nước thải Fukushima: Nhật Bản ra tuyên bố đáp trả bình luận của Trung Quốc, Mỹ nói Bắc Kinh cưỡng ép kinh tế và chính trị
Báo Yomiuri ngày 4/9 đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực đối phó với những chỉ trích của Trung Quốc liên quan đến hoạt động xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.
Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố đáp trả những bình luận của chính phủ Trung Quốc mà Tokyo cho rằng không dựa trên bằng chứng khoa học.
Theo các nguồn tin, khi Bắc Kinh đã thông báo cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những biện pháp đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, Tokyo dự định hành động trong khuôn khổ WTO để yêu cầu loại bỏ ngay lập tức các biện pháp này.
Sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo đăng tải những lời chỉ trích trên trang web, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Bắc Kinh không sử dụng những cách diễn đạt không phù hợp liên quan đến hoạt động xả nước thải.
Trên mạng xã hội X (trước là Twitter), Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phát đi các thông điệp phản đối những lời chỉ trích của Trung Quốc với hashtag kêu gọi ngăn chặn hành vi lan truyền các thông tin gây thiệt hại cho danh tiếng của Tokyo, đồng thời đăng bản dịch tiếng Nhật của các tuyên bố ủng hộ Nhật Bản do nhiều chính phủ nước ngoài đưa ra.
Trước đó, ngày 31/8, trong thông báo gửi WTO, chính phủ Trung Quốc tuyên bố quyết định tạm dừng nhập khẩu là biện pháp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn hoàn toàn rủi ro.
Theo các Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO - còn gọi là Hiệp định SPS, các quốc gia thành viên được yêu cầu thông báo cho cơ quan thương mại toàn cầu khi họ triển khai những biện pháp ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. Các nguồn tin cho biết, phía Nhật Bản dự định sẽ tranh luận về vấn đề này tại những cuộc họp ủy ban SPS.
* Ngày 31/8, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho rằng, phản ứng của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển là hành động cưỡng ép kinh tế và chính trị.
Trong một phát biểu, Đại sứ Emanuel cho biết, ông hy vọng Washington sẽ ủng hộ Nhật Bản, nếu Tokyo đưa Bắc Kinh ra WTO về việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Ông Emmanuel đã đến thăm thành phố Soma thuộc tỉnh Fukushima để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với ngành đánh bắt cá địa phương sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
* Về vấn đề nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 29/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, nồng độ tritium trong nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima-Daiichi của Nhật Bạn ở dưới ngưỡng dự kiến và không gây nguy hại đối với dân cư.
Ông Grossi nêu rõ: “Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định,g lượng nước thải đầu tiên không chứa bất kỳ phóng xạ hạt nhân nào ở mức độ có thể gây hại. Sự khởi đầu diễn ra theo những gì chúng tôi mong đợi… nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát đến lượng nước thải cuối cùng”.
Cụ thể hơn, ngày 24/8, IAEA cho biết một phân tích độc lập của tổ chức này về nồng độ tritium trong nước thải đã pha loãng từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima thấp hơn nhiều so với mức giới hạn cho phép là 1.500 becquerel (bq)/l.
Giới hạn trên cũng thấp hơn 40 lần so với tiêu chuẩn an toàn quốc gia của Nhật Bản về hàm lượng tritium trong nước, tương đương với tiêu chuẩn quốc tế là 60.000 becquerel/l (bq/l). Giới hạn này cũng thấp hơn khoảng 7 lần so với ngưỡng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra đối với nước uống là 10.000 bq/l.
* Tuy nhiên, cũng về vấn đề trên, Kết quả cuộc thăm dò do hãng Gallup Korea tiến hành và công bố ngày 1/9 cho thấy đa số người dân Hàn Quốc lo lắng việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển bất chấp những nỗ lực xoa dịu lo ngại của chính phủ nước này.
Gallup Korea đã tiến hành cuộc thăm dò 1.002 người Hàn Quốc, trong đó cứ 10 người được hỏi thì có 7 người cho biết họ lo ngại tác động của việc xả thải đối với hải sản và 60% những người được hỏi cho biết họ không muốn ăn hải sản.