Xã Việt Long, Sóc Sơn chìm trong trong biển nước.
Mưa lớn kéo dài, mực nước sông Cầu và sông Cà Lồ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lên nhanh. Nhiều khu vực vẫn đang ngập sâu như thôn Lai Sơn (xã Bắc Sơn); thôn 8 (xã Hồng Kỳ); thôn An Lạc, thôn Hòa Bình (xã Trung Giã); thôn Ngô Đạo (xã Tân Hưng); thôn Lương Phúc (xã Việt Long); thôn Kim Thượng (xã Kim Lũ); thôn Yên Phú (xã Xuân Thu).
Trước diễn biến phức tạp của lũ trên sông Cầu, sông Cà Lồ, UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị chính quyền 13 xã tập trung rà soát, khẩn trương sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn. Trong trường hợp cần thiết, có thể cưỡng chế di dời. Trong ảnh, người dân xã Trung Giã, Sóc Sơn bị ngập sâu, phải trú ẩn tại tầng 2 của ngôi nhà được cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông hỗ trợ xuống xuồng để di tản đến khu vực an toàn.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, chiều 12/9, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nhìn từ trên cao như "ốc đảo", khi 4 bề đều là nước, người dân phải sử dụng thuyền, bè tự chế để đi lại.
Thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có 3 xóm ngập nặng gồm xóm Mom, xóm Đông, xóm Đoài với 185 hộ, khoảng 915 nhân khẩu bị ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt do mực nước sông Cầu dâng cao thuộc diện phải di dời.
Đường vào xóm Mom nước ngập sâu gần 2m, nơi đây có gần 100 hộ dân với hơn 300 người bị cô lập bởi nước lũ bao vây. Một số nhà bị nhấn chìm trong biển nước.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Yến (xóm Mom, Lương Phúc, xã Việt Long) nói: “Trận lũ do ảnh hưởng của bão số 3 lần này đã khiến cả gia đình tôi và những người dân ở đây rất vất vả. Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, phải di tản đi ở nhờ mấy lần, lần đầu cả gia đình phải sang ở nhờ nhà ông ngoại do bị nước ngập vào nhà, nhưng sau đó một ngày nước lũ lại tiếp tục lên ngập luôn nhà ông ngoại, thành ra cả gia đình tôi và ông ngoại lại cùng nhau đi ở nhờ nơi khác.
"Hôm nay không mưa nên tôi chuẩn bị ra ngoài xóm khác để mua ít đồ đạc, tắm rửa gội đầu nhờ, nước ngập nên không có nước sạch". chị Yến cho hay.
Nước dâng cao khắp xóm làng, toàn bộ các thôn bị ngập đã bị cắt điện.
Đã 4 ngày nay, bà Kể (75 tuổi) xóm Mom, Lương Phúc, xã Việt Long phải nấu cơm cho gia đình trong nước ngập. "Từ năm 1971 đến nay đây là trận ngập lớn nhất" , bà Kể nói.
Thuyền là phương tiện di chuyển duy nhất để vào xóm Mom
Nước lũ đổ về, cuộc sống gia đình nhiều hộ dân ở thôn Lương Phúc bị đảo lộn. Ông Nguyễn Ngọc Sắt, (xóm Mom, thôn Lương Phúc (xã Việt Long) cho biết, "Từ lúc tôi sinh ra và lớn lên ở đây, lần đầu tiên tôi thấy trận lụt to như thế này. Thiên tai quá đột ngột, dân ở xóm ngoài đê gần như ngập hết, có nhà thậm chí ngập đến nóc rồi".
"Mọi sinh hoạt của chúng tôi đã bị đảo lộn, tất cả gần như thay đổi. Nước sạch mất, điện mất, nước lũ lên không đi lại được vì có nhà có thuyền có thể di chuyển, có nhà không có thuyền thì không biết xoay sở thế nào", ông Sắt nói.
“Hộ gia đình mà nhà thấp, sẽ phải vận chuyển gia súc, gia cầm vào trong đê. Có người phải thuê người thuê thuyền vận chuyển vào trong đê tránh nước lũ. Còn đối với nhà cao tầng sẽ cho vật nuôi lên tầng tránh trú, như nhà tôi phải đưa đàn gà lên tầng 3 tránh lũ", ông Sắt kể thêm.
Chỉ tay về cây Phượng tại xóm Mom trước và sau nước lũ dâng cao, bà Nguyễn Thị Loan, (thôn Lương Phúc, xã Việt Long) cho biết: “Lần đầu tiên hơn 30 năm nay mới thấy trận lũ lịch sử, nước dâng cao như lần này. Trong thôn người già, trẻ nhỏ đã di cư đi chỗ khác để tránh lũ. Các xóm bị ngập lụt hiện đã bị cắt điện, nước nên hầu như không có nước sạch để uống hay nước tắm giặt.”
Theo lãnh đạo xã Việt Long, tính đến chiều ngày 12/9, toàn xã có 2 thôn là Lương Phúc và Tăng Long bị ngập nặng. Trong đó ở thôn Lương Phúc có 3 xóm ngập nặng, gồm xóm Móm, xóm Đông, xóm Đoài. Tổng cộng có 185 hộ dân với khoảng 915 nhân khẩu, đều thuộc diện phải di dời. Còn ở thôn Tăng Long có 79 hộ dân với 325 nhân khẩu (do thôn này giáp đê nên không áp dụng bắt buộc phải di dời).
Nước dâng cao khiến mỗi sân nhà của người dân nơi đây thành "bể bơi".
Tuấn Anh