Xã Sơn Bình: Tập trung giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân

Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) quan tâm triển khai thực hiện, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tập trung giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân là 2 nhiệm vụ trọng tâm xã đang nỗ lực thực hiện, phấn đấu trở thành xã NTM trong năm 2024.

Một góc xã Sơn Bình.

Một góc xã Sơn Bình.

Nhiều khởi sắc

Xã Sơn Bình được giao trọng trách trở thành xã đầu tiên của huyện Khánh Sơn đạt chuẩn NTM. Sơn Bình có 4 thôn, hơn 1.000 hộ với 3.820 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Raglai chiếm hơn 75%. Là một xã có điều kiện kinh tế nổi bật của huyện, Sơn Bình có khoảng 660ha đất sản xuất nông nghiệp, hầu hết là cây lâu năm, chủ lực là cây sầu riêng với sản lượng hàng năm khoảng 3.600 tấn. Ngoài ra, nông dân nơi đây còn trồng một số cây ăn quả khác với chất lượng và sản lượng không ngừng được nâng lên theo thời gian. Theo số liệu thống kê, năm 2023, nông dân Sơn Bình sản xuất được 15 tấn chôm chôm, 13 tấn măng cụt, 25 tấn quýt đường, 95 tấn cà phê, 4,5 tấn tiêu...

Thông qua việc tập trung thực hiện chương trình NTM, người dân và chính quyền địa phương đã nỗ lực đạt được nhiều thành quả trong việc chăm lo phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Hệ thống hạ tầng đã được đầu tư mạnh mẽ, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí NTM. Trong đó, những con đường bê tông to đẹp, thẳng tắp không chỉ ở các tuyến chính mà còn đi sâu vào các khu sản xuất, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Các tiêu chí về điện, hệ thống thủy lợi đều đã đạt chuẩn. Đặc biệt, hệ thống trường học, trạm y tế, chợ, hạ tầng văn hóa... đều đã đáp ứng theo yêu cầu của một xã NTM.

Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nỗ lực của nhân dân, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã còn có sự quan tâm, chung tay của cả hệ thống chính trị, các mạnh thường quân. Trong năm 2023, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, tuy nhiên số nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố mới chỉ có 460/686 nhà, đạt 67,05%. Để nâng tỷ lệ này lên, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, đã có 7 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, thông qua các kênh hỗ trợ khác, xã đã xây 25 nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở kiên cố. Nhờ đó, tiêu chí nhà ở đến nay đã hoàn thành.

Tập trung hoàn thành 4 tiêu chí

Qua rà soát, đến đầu tháng 3, xã Sơn Bình còn 4 tiêu chí chưa đạt là: Thu nhập; nghèo đa chiều; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm. Theo báo cáo của UBND xã, thời điểm cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm. Với quyết tâm đạt chuẩn NTM trong năm nay, tương ứng với mục tiêu đưa thu nhập bình quân của người dân lên 45 triệu đồng/người/năm, hệ thống chính trị của xã cùng người dân tập trung phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng để trồng cây ăn quả, nhất là phát triển cây sầu riêng; khuyến khích và hỗ trợ nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi, trồng trọt từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã để từng bước giúp các hộ dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập.

Người dân xã Sơn Bình thu hoạch sầu riêng.

Đối với tiêu chí nghèo đa chiều, toàn xã còn khoảng 180 hộ nghèo, 197 hộ cận nghèo. Xã đã phân công cho các tổ chức hội, đoàn thể theo dõi công tác giảm nghèo của từng hộ, từng thôn. Qua đó kịp thời nắm bắt, hướng dẫn cách thức làm ăn, giúp hộ nghèo tiếp cận được các chính sách giảm nghèo đang triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; huy động thêm nguồn lực hỗ trợ nhà ở, mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, vay vốn phát triển kinh tế… cho người nghèo.

Đối với tiêu chí y tế, đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trên địa bàn xã còn 138/417 trẻ. Ngoài ra, trên địa bàn xã chưa có hộ nào có sổ khám, chữa bệnh điện tử. Đây là tiêu chí khó hoàn thành, bởi việc cải thiện chiều cao của trẻ em, nhất là trẻ em người dân tộc thiểu số cần quá trình dài hơi. Xã đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm đưa 20 trẻ ra khỏi danh sách suy dinh dưỡng thể thấp còi và từng bước triển khai tổ chức thực hiện sổ khám, chữa bệnh điện tử cho người dân. Đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống cấp nước sinh hoạt của xã qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, chất lượng nước cung cấp không đáp ứng được so với quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt. Xã đang tiến hành hợp đồng với đơn vị có khả năng xử lý nguồn nước để hoàn thành tiêu chí này.

Cùng với sự chung sức đồng lòng của cán bộ, nhân dân trong nỗ lực duy trì mức độ đạt chuẩn đối với 15 tiêu chí đã đạt và phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại, xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trong việc triển khai các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp nhằm đạt chuẩn NTM một cách thực chất, bền vững.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xay-dung-nong-thon-moi/202403/xa-son-binhtap-trung-giam-ngheo-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-7ec3b1b/