Xã Sơn Tân: Tập trung giảm thiểu nạn tảo hôn
Tại xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra, kéo theo những hệ lụy cho gia đình và xã hội. Địa phương cần quyết liệt vào cuộc để giảm thiểu tình trạng này.
Tại xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn diễn ra, kéo theo những hệ lụy cho gia đình và xã hội. Địa phương cần quyết liệt vào cuộc để giảm thiểu tình trạng này.
Số trường hợp tảo hôn cao
Sơn Tân là một trong những xã nghèo của huyện Cam Lâm. Toàn xã có 297 hộ dân với 1.094 khẩu, trong đó có 292 hộ là đồng bào DTTS. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, năm 2018, toàn xã có 6 trường hợp tảo hôn, năm 2019 đã tăng thêm 2 trường hợp.
Trường hợp của M.T.T.H (19 tuổi, thôn Suối Cốc) là một ví dụ. H. đã bỏ học để đi lấy chồng ở tuổi 17 và có con nhỏ hơn 8 tháng tuổi. “Cán bộ dân số đến tận nhà tuyên truyền, vận động em nhiều lần nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em không có điều kiện tiếp tục đến trường. Em cũng biết theo quy định đúng 18 tuổi mới được kết hôn nhưng do không biết gìn giữ nên lỡ mang thai, đành lấy chồng sớm”, H. nói. Trường hợp M.T.T (18 tuổi) và B.B.T.Th (16 tuổi) cùng thôn Valy lấy nhau từ năm 2017 cũng để lại hệ lụy đáng tiếc. Do Th. còn quá nhỏ, thiếu kiến thức khi làm mẹ nên không biết chăm sóc con, dẫn đến con bị suy dinh dưỡng nặng.
Chị Mang Thị Hồng - cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, nhiều trường hợp 14, 15 tuổi đã lấy chồng, sinh con. Dù chính quyền địa phương tuyên truyền vận động đến từng hộ nhưng do nhận thức của các em còn hạn chế, quan hệ yêu đương tự do nên mang thai sớm, dẫn đến tảo hôn. Trước thực trạng trên, xã xác định việc tuyên truyền phòng, chống, giảm thiểu tảo hôn là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp liên tịch với các ban, ngành, đoàn thể, trường học lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cộng đồng cho hơn 10 nhóm, thu hút 170 lượt người tham dự về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới…
Tập trung thay đổi nhận thức
Theo bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn là do trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật trong đồng bào DTTS còn hạn chế, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Mặc khác, do công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương còn hạn chế và hiệu quả chưa cao; sự can thiệp của chính quyền về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa quyết liệt, chưa đủ mạnh. Sơn Tân là xã tập trung đông đồng bào DTTS, nhận thức của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, để thay đổi được suy nghĩ của họ là điều không dễ dàng. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung và tại nhà dân. Tuy nhiên, để có được kết quả tốt, không còn tình trạng tảo hôn thì cần có thời gian để cán bộ xã, cộng tác viên làm công tác tư tưởng cho dân.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 là tập trung tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục bằng nhiều hình thức thiết thực và phù hợp với các đối tượng, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ, vị thành niên. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện sẽ hướng dẫn các xã cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho các đối tượng lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp; tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để đạt hiệu quả cao và duy trì bền vững. Cùng với đó, củng cố và tăng cường vai trò của đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên của các ban, ngành, đoàn thể... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện tốt chính sách dân số, giảm thiểu tình trạng tảo hôn...
THANH TRÚC