Xã Tân Mai khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Xã Tân Mai (Mai Châu) có độ cao 800 - 900 m so với mặt nước biển. Nơi đây có địa hình đồi núi và thung lũng đan xen, quanh năm khí hậu mát mẻ. Người dân luôn có ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc của người Mường, Dao, Thái. Hiện nay, mạng lưới giao thông tới Tân Mai khá thuận tiện, xã có tỉnh lộ 432 chạy qua kết nối với quốc lộ 6, tuyến đường liên xã, liên xóm được nâng cấp. Ngoài ra, có thể đến Tân Mai bằng đường thủy trên sông Đà cập bến Suối Lốn. Đó là những lợi thế để xã Tân Mai khai thác phát triển du lịch.
Đồng chí Hà Văn Tuấn, cán bộ văn hóa xã Tân Mai cho biết: Là địa phương nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng khai thác những lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch. Cấp ủy, chính quyền tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, resort trên địa bàn xã. Hiện, toàn xã có 4 hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó, xóm Suối Lốn 3 hộ, xóm Mó Rút 1 hộ. Ngoài ra, khu resort Mai Châu Hideaway ở Suối Lốn là điểm đến lý tưởng thu hút số lượng lớn khách du lịch.
4 hộ làm du lịch trên địa bàn xã được tham gia các lớp tập huấn do Sở VH-TT&DL tổ chức. Các phương tiện giao thông đường thủy được đầu tư để phục vụ du khách trải nghiệm sông Đà. Toàn xã có 11 thuyền du lịch được đăng kiểm, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phục vụ, đa số hộ làm du lịch đều có dịch vụ cho thuê thuyền. Tân Mai còn tạo sự liên kết với tuyến du lịch tâm linh đền Bờ thu hút nhiều hơn khách du lịch đến nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, các hộ làm du lịch homestay tại xóm Suối Lốn và xóm Mó Rút quan tâm tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng. Nhà sàn được thiết kế hướng ra mặt hồ là không gian độc đáo cho du khách ngắm sông Đà vào buổi sáng. Những cô gái Mường duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống đón khách, giới thiệu cho du khách về những nét đẹp trong văn hóa, phong tục, tập quán của người Mường. Khi màn đêm buông xuống, khách du lịch được thưởng thức những tiết mục văn nghệ độc đáo bên ánh lửa bập bùng, cùng nắm tay nhau uống rượu cần. Tất cả tạo nên sự gắn bó thân thiết giữa người dân và khách du lịch.
"Đầu năm 2018, gia đình tôi bắt đầu làm du lịch. Ngay từ khi có ý tưởng làm du lịch, tôi cùng gia đình quyết tâm phải giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống. Nét đẹp của nhà sàn, văn hóa Mường có sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Từ cửa ngôi nhà sàn khách có thể ngắm toàn cảnh lòng hồ. Gia đình tôi phục vụ khách du lịch từ phương tiện đón khách, dịch vụ ăn uống, ngủ… Đồ ăn được chế biến từ nguồn thực phẩm sẵn có của địa phương như cá sông Đà, gà đồi, lợn bản địa, rau rừng, măng rừng… Sau hơn 1 năm làm du lịch, tôi cùng các thành viên trong gia đình cảm thấy gắn bó, yêu mến công việc này. Những đoàn khách đến trải nghiệm dành tình yêu, sự chân thành đối với mảnh đất vùng hồ. Cùng người dân bắt cá, nấu ăn, làm đồng đã tạo nên sự gắn bó khó phai giữa khách và chủ. Nhiều đoàn khách đi rồi trở lại” - anh Hà Minh Thủy, chủ homestay Trường Giang, xóm Suối Lốn chia sẻ.
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện tạo nên sức hút cho du khách đến với xã nghèo Tân Mai. Từ đầu năm đến nay, xã đón gần 7.000 lượt khách lưu trú. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây đang nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.