Xã Tân Minh: Nâng cao thu nhập từ trồng rừng

Với địa bàn rộng, đồi núi có độ dốc cao, xã Tân Minh (Đà Bắc) gặp nhiều khó khăn trong việc xác định cây trồng chủ lực phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Nhạy bén, khắc phục những khó khăn của địa hình tự nhiên, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi hướng trồng rừng sản xuất, tận dụng từng 'tấc đất, tấc vàng' để mở rộng diện tích. Qua đó, nỗ lực nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần tăng độ che phủ rừng, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Hộ dân xóm Cò Phày, xã Tân Minh (Đà Bắc) phát triển mô hình trồng rừng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên 7.476 ha, trong đó, diện tích đất rừng sản xuất chiếm đến 4.000 ha. Các giống keo, trẩu, bồ đề được người dân tập trung trồng và mở rộng diện tích, nhiều nhất là cây keo với diện tích 1.200 ha, tập trung tại các xóm Diều Bồ, Cò Phày, Mít... Bồ đề là giống cây cho giá trị kinh tế cao nhất, từ 50-60 triệu đồng/ha sau chu kỳ 7-8 năm. Toàn bộ sản phẩm của người dân được tư thương, xưởng chế biến lâm sản trên địa bàn và các vùng lân cận thu mua.

Khảo sát thực tế tại khu vực rừng sản xuất của gia đình Xa Văn Hiếu ở xóm Cò Phày, hộ phát triển hiệu quả kinh tế rừng. Năm 2006, anh Hiếu tận dụng diện tích đất đồi để trồng 4 ha keo. Sau 8 năm, gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng. So với sản xuất nông nghiệp, trồng rừng giúp gia đình có thu nhập cao hơn để trang trải trong cuộc sống. Hiện, gia đình anh Hiếu duy trì trồng 2-3 ha cây trẩu và bồ đề. Anh Hiếu chia sẻ: "Trung bình 1 ha keo sau chu kỳ trồng 5 năm có thể cho thu về từ 25-30 triệu đồng, trong khi đó, cây bồ đề cho lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, bồ đề và trẩu là những giống cây bản địa nên cây khỏe và sinh trưởng tốt hơn”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, nhiều hộ trên địa bàn đã học hỏi kinh nghiệm, chủ động vay vốn tận dụng diện tích đất vườn để trồng rừng. Gia đình anh Lường Văn Hùng ở xóm Cò Phày cũng đã bỏ vốn đầu tư 150 triệu đồng để mở rộng diện tích rừng. Từ năm 2015 đến nay, anh Hùng đã phát triển 17 ha rừng sản xuất, trong đó có 10 ha bồ đề, 3 ha keo, còn lại là diện tích trồng xoan. Anh Hùng chia sẻ: "Phát triển mô hình trồng rừng thực sự rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo đánh giá, bồ đề là giống cây đem lại giá trị kinh tế cao nhất với bình quân từ 1-1,5 triệu đồng/m3. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các hộ trồng rừng là khó khăn về đường giao thông dẫn vào khu sản xuất. Do địa hình chủ yếu đồi núi, đường giao thông chưa được cứng hóa, nên việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn”.

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ Nhân dân phát triển hiệu quả mô hình trồng rừng sản xuất, xã chỉ đạo Trung tâm Học tập cộng đồng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT. Phối hợp Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu vay vốn để mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất.

Đồng chí Đinh Đức Công, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: "Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển mô hình trồng rừng đã đem lại hiệu quả. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 44%. Để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế rừng, xã khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả để trồng rừng. Nâng cao kỹ thuật chăm sóc, áp dụng hiệu quả KHKT vào quá trình sản xuất. Qua đó, đưa kinh tế rừng trở thành mô hình mũi nhọn giúp Nhân dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/148410/xa-tan-minh-nang-cao-thu-nhap-tu-trong-rung.htm