Xã Tân Thành đẩy mạnh trồng cây có múi
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Thành (Lương Sơn) đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Trong đó, cây ăn quả là một trong những hướng phát triển, diện tích ngày càng được mở rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất theo quy trình VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Bùi Văn Diển, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: "Tận dụng điều kiện tự nhiên, lợi thế của địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung xây dựng, phát triển vùng chuyên canh cây có múi, cải tạo vườn tạp, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà vững chắc phát triển KT-XH".
Toàn xã có 110,2 ha cây có múi, trong đó, 6 tháng đầu năm 2019 trồng mới 11 ha. Các loại cây có múi chủ yếu là cam lòng vàng, bưởi đỏ, bưởi da xanh... được người dân tập trung phát triển từ 7-8 năm trở lại đây. Hiện, xã đã thành lập HTX trồng cây có múi Tân Thành với 36 hộ thành viên thuộc các xóm: Tân Thành, Mỹ Tân; xây dựng vùng cây có múi tập trung diện tích gần 80 ha. Trong đó, 26/36 hộ đăng ký chứng nhận VietGAP, áp dụng KH-KT cao trong sản xuất, nói "không" với thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, cung cấp nông sản chất lượng cao cho thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Xóm Mỹ Tân và Tân Thành phát triển mạnh với hơn 60 hộ trồng cây có múi, tổng diện tích gần 80 ha. Hộ trồng ít 1 ha, hộ nhiều 4-5 ha. Vụ cam, bưởi vừa qua, vườn của các hộ đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, bán được giá. Cây có múi đang tỏ rõ ưu thế vượt trội so với các loại cây trồng truyền thống khác. Hiện, nhiều hộ trong HTX cây có múi Tân Thành đã sản xuất theo quy trình VietGAP dần tiếp tục nâng cao, chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm hữu cơ, nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường.
Chúng tôi đến thăm vườn cây có múi của hộ ông Trần Ngọc Long, xóm Tân Thành với diện tích 1,5 ha. Ông Long cho biết: "Tôi trồng cây cam, bưởi từ năm 2012. Nhờ mạnh dạn vay vốn, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây kém hiệu quả sang trồng cây có múi, sản xuất theo quy trình VietGAP, đến nay, kinh tế của gia đình đã khá hơn, mỗi vụ đều cho sản phẩm chất lượng, sản lượng cao, bán được giá. Mỗi quả cam, bưởi đều được bọc túi để cải thiện mẫu mã, đồng thời trồng xen thêm chè để nâng cao thu nhập. Trung bình mỗi năm, vườn cây có múi đem về cho gia đình thu nhập 100-150 triệu đồng. Hiện, tôi đang dần chuyển đổi mô hình sang sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường".
Nhằm mở rộng diện tích cây có múi, tạo sự bền vững, xã đã triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về ý thức bảo vệ môi trường, thu gom bao bì, sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Diển cho biết thêm: "Thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng, phát triển vùng cây có múi cả về quy mô, chất lượng, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đưa KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, đưa các mô hình chưa có tiêu chuẩn chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP, chuyển đổi quy trình VietGAP sang sản xuất hữu cơ nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường, nâng cao thu nhập, đóng góp phát triển KT-XH. Hiện, thu nhập bình quân toàn xã đạt 29,6 triệu đồng/người/năm".
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/132270/xa-tan-thanh-day-manh-trong-cay-co-mui.htm