Xã Tây Phong: Nông dân nuôi kiến vàng trừ sâu giảm chi phí đầu tư

Sâu bệnh là nỗi ám ảnh của người nông dân khi chăm sóc cây trồng. Một số hộ dân ở xã Tây Phong (Cao Phong) đã tìm ra cách nuôi kiến vàng diệt trừ sâu hại, không chỉ giảm tác hại đến môi trường mà còn giảm chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn cam của hộ dân xóm Tây Sơn, xã Tây Phong (Cao Phong) nuôi kiến vàng trừ sâu cho quả đẹp, bóng mượt, giảm chi phí đầu tư.

Vườn cam của hộ dân xóm Tây Sơn, xã Tây Phong (Cao Phong) nuôi kiến vàng trừ sâu cho quả đẹp, bóng mượt, giảm chi phí đầu tư.

Mục sở thị vườn cam V2 của anh Nguyễn Văn Thu ở xóm Tây Sơn, những chùm cam lúc lỉu trên cành bóng mượt, cây không sâu bệnh, đất nhiều mùn ẩm. Anh Thu cho biết: Vườn có diện tích 2 ha. Trước đây mỗi lần phun thuốc, gia đình phải chi hàng chục triệu đồng cho việc mua thuốc, thuê người phun, tiền điện, tiền xăng cho máy phun…, cộng sổ mỗi năm khoảng 120 - 130 triệu đồng. Đó là chưa kể những nguy hại đến môi trường, sức khỏe không nhìn thấy được. Phun thuốc nhiều đất ở vườn trơ, nghèo dinh dưỡng, giun cũng ít, cây sinh trưởng kém. Việc phun thuốc sâu độc hại nên thuê người làm rất khó. Có người làm phải trả công cao, khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Có lần vừa phun xong thì trời mưa, sâu không chết coi như bỏ đi, hôm sau phải phun lại.

Hai năm trước anh Thu xem trên mạng thấy trong miền Nam có người nuôi kiến vàng trị các loại sâu có hại cho cây cam như bọ xít, rầy mềm, sâu vẽ bùa, rệp sáp… Sau khi tham khảo thông tin về kiến vàng, anh đặt hàng những người hay đi rừng mua 10 tổ kiến vàng, thả nuôi trên cây cam cho thấy kiến tiêu diệt các loại sâu. Anh Thu cho biết thêm: Hai năm nay giá cam giảm, thời tiết không thuận nên tôi không đầu tư chăm bón nhiều cho cây cam. Nếu như trước đây, việc ít chăm sóc sâu bệnh phá hoại cây sẽ bị hỏng. Nhưng 2 năm nay, nhờ có kiến vàng nên cây không bị các loại sâu phá hoại, đất giữ được độ ẩm, quả cam không bị sâu tấn công nên vẫn thu hoạch bình thường.

Theo anh Thu, loài kiến vàng rất dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm đàn kiến sẽ bỏ đi hoặc chết. Khi đã xác định nuôi kiến để bảo vệ cây trồng thì không được phun thuốc bảo vệ thực vật, vì làm vậy kiến sẽ chết hoặc bỏ đi. Trường hợp phun thuốc trừ bệnh lựa chọn thuốc sinh học không gây hại cho côn trùng. Treo các tổ kiến lên các trạc cành phải gần tán lá. Khi bầy đàn đông đảo chúng sẽ phân tán mỏng tìm sang những cây kế cận để làm tổ mới. Nên thả kiến lúc cây được 1 năm tuổi, đó là thời điểm cây bắt đầu ra nhiều lá, tạo nơi trú ngụ cho kiến. Thời gian thả từ tháng 7 đến tháng 10, đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để thu thập tổ kiến thả vào vườn mới. Nên thả vào lúc mát trời, không mưa.

Thấy anh Thu nuôi kiến vàng hiệu quả trong việc trừ sâu cho cam, đến nay có 6 hộ dân ở xóm Tây Sơn đã làm theo. Anh Trần Đăng Thảo, xóm Tây Sơn cho biết: Với cách làm này, gia đình tôi mỗi năm tiết kiệm chi phí cho việc phun thuốc trừ sâu vài chục triệu đồng. Từ ngày nuôi kiến vườn cam không còn sâu, đất vườn nhiều giun, dế có ích cho đất. Nhiều người cho rằng nhược điểm của việc nuôi kiến vàng là khi thu hái cam bị kiến cắn, nhưng thời điểm thu hoạch thường vào mùa đông, kiến ngủ đông nên cũng ít ảnh hưởng. Từ ngày nuôi kiến vàng cho cam quả to, mọng nước, mẫu mã đẹp, bán thuận lợi hơn. Mọi người biết tôi nuôi kiến ít dùng thuốc trừ sâu nên cam bán nhanh và được giá hơn.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/182778/xa-tay-ph111ng-nong-dan-nuoi-kien-vang-tru-sau-giam-chi-phi-dau-tu.htm