Xã Tây Phong vui cuộc sống mới

Trở lại xã Tây Phong những ngày cuối thu, khác với khung cảnh bình dị chúng tôi từng gặp, Tây Phong hôm nay đã là xã NTM tiêu biểu của huyện Cao Phong. Bên những công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang là xanh mướt ruộng mía, vườn cam trĩu trịt hứa hẹn mùa quả ngọt. Người dân xã Tây Phong được hưởng niềm vui cuộc sống mới là minh chứng rõ nét cho sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn.

Người dân xã Tây Phong (Cao Phong) mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất gạch xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Tây Phong (Cao Phong) mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất gạch xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Toàn xã hiện có 1.320 hộ, trên 5.390 khẩu, trong đó, dân tộc Mường chiếm 58%, dân tộc Kinh 37%, dân tộc Dao 5%. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, năm 2011 đạt trên 10 triệu đồng/người và xã mới đạt 5 tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM. Đồng chí Bùi Văn Bền, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, xã Tây Phong đăng ký về đích năm 2018. Trong 8 năm thực hiện chương trình, xã huy động nguồn lực được trên 204 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư trên 12,3 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 20 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 61 tỷ đồng; ngân sách xã trên 6 tỷ đồng; vốn lồng ghép các dự án trên 15 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình nên đã phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, hiến tài sản trên đất trị giá gần 40 tỷ đồng.

Kết quả xây dựng NTM đã giúp thay đổi diện mạo của xã. Đến nay, cơ sở vật chất các xóm được đầu tư cơ bản hoàn thiện. Các tuyến đường giao thông nông thôn mở rộng, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Cùng với đó là sân vận động, nhà văn hóa xã xây dựng khang trang. Trạm y tế đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Từ quan điểm NTM trước hết kinh tế phải phát triển, đời sống người dân được nâng cao, do vậy, cấp ủy, chính quyền xã vận động nhân dân chuyển đổi đất lúa sang trồng mía với diện tích trên 230 ha; chuyển đất vườn, đồi thấp sang trồng cây ăn quả có múi, diện tích trên 150 ha. Đặc biệt, xã chú trọng thực hiện công tác dân tộc, hàng năm rà soát các hộ DTTS nghèo, hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch phân công giúp đỡ. Tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Từ đó, hộ đồng bào DTTS đã thay đổi cách thức làm ăn, đầu tư, áp dụng KHKT vào đồng ruộng; coi trọng sản xuất sạch, đảm bảo ATTP và quan tâm giữ thế mạnh về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Ngoài ra, các hộ đồng bào DTTS ở Tây Phong đã mạnh dạn đầu tư vào các ngành TTCN, dịch vụ, như cơ sở sản xuất gạch, cung cấp vật liệu xây dựng, cơ sở chế biến thực phẩm, dịch vụ sân bóng đá mi ni, bể bơi... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chung sức, đồng lòng xây dựng NTM, phát triển kinh tế, năm 2018, thu nhập bình quân của xã đạt 29,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,03%; cận nghèo 9,9%. Xã có 9/9 xóm được công nhận làng văn hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38%; lao động có việc làm thường xuyên đạt 92%... Trên cơ sở kết quả đạt được, Tây Phong đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2019-2020.

Thu Hiền

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/133874/xa-tay-ph111ng-vui-cuoc-song-moi.htm