Xả thải độc hại là hủy hoại môi trường

Liên tiếp nhiều vụ án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị khởi tố cho thấy thực trạng xả thải độc hại đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nặng nề cho hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường xảy ra tại huyện Gia Lâm (Hà Nội). Trước đó, tại khu vực bãi 42, thôn Hạ, xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra, phát hiện cơ sở tái chế dầu thải của Bùi Quốc Giang (trú tại xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong việc đổ chất thải nguy hại ra môi trường.

Cơ sở tái chế dầu của Bùi Quốc Giang xả thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường.

Cơ sở tái chế dầu của Bùi Quốc Giang xả thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.495 kg nước thải từ quá trình xử lý hóa chất và 6.950 kg bã dầu khô sau tái chế. Số chất thải này được Giang chỉ đạo nhân viên đổ thẳng vào hố đào bên ngoài xưởng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả giám định của ngành chức năng cho thấy, toàn bộ số bã dầu trên là chất thải nguy hại.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 28/4/2025, Công an tỉnh này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nơi làm việc đối với Bùi Thị Mỹ Dung (62 tuổi) và Phan Văn Sấu (là chồng bà Dung) cùng trú tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu về hành vi “gây ô nhiễm môi trường”. Trong quá trình kiểm tra tại Công ty TNHH Ngọc Dung (bà Dung làm người đại diện pháp luật), lực lượng chức năng đã phát hiện việc tái chế chì tại công ty nói trên đã tạo ra các loại chất thải rắn công nghiệp với khối lượng hơn 463 tấn. Khối lượng chất thải này được bà Dung chỉ đạo đổ, thải không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã bắt quả tang công nhân nấu nhôm thuê cho lò nhôm do bà Nguyễn Thị Thịnh (xóm Trại, thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình) làm chủ, đang đổ trái phép hơn 100 tấn xỉ thải phát sinh từ lò nấu nhôm ra khu đất phía sau lò… Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “gây ô nhiễm môi trường” để điều tra, làm rõ.

Các chuyên gia về môi trường đánh giá, việc xả chất thải độc hại ra môi trường đang trở thành hiểm họa nghiêm trọng, đe dọa toàn diện đến hệ sinh thái, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quốc gia. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là tội ác đối với tự nhiên và thế hệ tương lai.

Các loại chất thải độc hại, từ hóa chất công nghiệp, kim loại nặng, dầu thải… khi xâm nhập vào nguồn nước, đất hoặc không khí, có khả năng tồn tại lâu dài và phá hủy cân bằng sinh học. Hệ sinh thái bị tổn thương nặng nề khi các loài sinh vật có ích bị tiêu diệt, chuỗi thức ăn bị đứt gãy và môi trường sống bị biến dạng. Trong nhiều trường hợp, hậu quả để lại là sự tuyệt chủng cục bộ, khiến hệ sinh thái mất khả năng phục hồi tự nhiên.

Xả thải độc hại tác động đến con người là một vòng xoáy âm thầm nhưng khốc liệt. Khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, không khí bị nhiễm độc, đất canh tác nhiễm hóa chất, người dân tiếp xúc với các chất độc như chì, thủy ngân, asen hoặc dioxin có thể mắc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tổn thương hệ thần kinh, bệnh về gan thận, vô sinh, thậm chí dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Đáng lo ngại, các cộng đồng sống gần khu công nghiệp, nhà máy hoặc bãi chôn lấp chất thải thường là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng lại ít có khả năng tự bảo vệ.

Việc xả thải bừa bãi còn tàn phá tài nguyên thiết yếu như nước và đất - nền tảng của nông nghiệp và an ninh lương thực. Nước sông, suối, ao hồ nhiễm độc khiến hệ thủy sinh chết hàng loạt, nước không thể dùng cho sinh hoạt hay tưới tiêu. Đất bị nhiễm hóa chất mất khả năng canh tác trong nhiều năm, dẫn đến sụt giảm năng suất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân và an toàn lương thực quốc gia.

Theo các chuyên gia, hậu quả kinh tế và xã hội từ ô nhiễm môi trường là gánh nặng khổng lồ. Việc khắc phục hậu quả môi trường đòi hỏi chi phí rất lớn, có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí y tế tăng cao, mất việc làm, di dời dân cư và bất ổn xã hội cũng kéo theo hệ lụy lâu dài…

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, người nào thải vào môi trường một trong các loại chất như: khí, bụi, nước thải, chất rắn… vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe hoặc tính mạng con người, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, tội “gây ô nhiễm môi trường” tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Hình thức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù tùy theo mức độ vi phạm.

Đối với pháp nhân (doanh nghiệp) vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 20 tỷ đồng. Có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, buộc tháo dỡ công trình vi phạm, cải tạo môi trường và bồi thường thiệt hại.

Đức Sơn - Hương Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xa-thai-doc-hai-la-huy-hoai-moi-truong-10305254.html