Xã Thường Tín: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Thường Tín được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Nhị Khê, Văn Bình, Văn Phú, Tiền Phong, Hiền Giang, Hòa Bình và thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Khánh Hà (huyện Thường Tín); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Đại Áng (huyện Thanh Trì).

Lý do lấy tên xã mới là Thường Tín bởi Thường Tín là thị trấn của huyện Thường Tín; bảo đảm phù hợp với việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương xã Thường Tín đồng tình ủng hộ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Thường Tín.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Thường Tín.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Thường Tín

Xã Thường Tín giáp các xã: Ngọc Hồi, Hồng Vân, Thượng Phúc, Dân Hòa, Tam Hưng của thành phố Hà Nội. Xã Thường Tín có diện tích tự nhiên là 28,29 km2; quy mô dân số là 70.739 người.

Xã Thường Tín được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Nhị Khê, Văn Bình, Văn Phú, Tiền Phong, Hiền Giang, Hòa Bình và thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Khánh Hà (huyện Thường Tín); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Đại Áng (huyện Thanh Trì).

Xã Văn Phú (Huyện Thường Tín): Diện tích: 3,18km2; Quy mô dân số: 8.633
Xã Hiền Giang (Huyện Thường Tín): Diện tích: 3,24; Quy mô dân số: 5.157
Xã Khánh Hà (Huyện Thường Tín) : Diện tích: 4,24; Quy mô dân số: 11.885
Xã Tiền Phong (Huyện Thường Tín) : Diện tích: 4,82; Quy mô dân số: 10.521
Xã Văn Bình (Huyện Thường Tín): Diện tích: 5,19; Quy mô dân số: 12.491
Xã Nhị Khê (Huyện Thường Tín): Diện tích: 2,80; Quy mô dân số: 8.078
Xã Hòa Bình (Huyện Thường Tín): Diện tích: 3,90; Quy mô dân số: 7.423
Thị trấn Thường Tín (Huyện Thường Tín): Diện tích: 0,90; Quy mô dân số: 6.513
Xã Đại Áng (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,02; Quy mô dân số: 38

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Thường Tín

Xã Thường Tín nằm ở vị trí phía Nam của Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 16 km. Thường Tín có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là về nông nghiệp, thương mại và các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Nằm trên các trục đường giao thông quan trọng như: quốc lộ 1A, đường vành đai 4, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Thanh Trì và Nam Hà Nội, xã Thường Tín là cầu nối giao thương quan trọng giữa trung tâm kinh tế - chính trị của Thủ đô với các tỉnh lân cận, đóng góp vào sự phát triển liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực phía Nam Hà Nội.

Xã là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi tiếp nhận, giữ gìn, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống, gắn với hệ thống di tích là các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như đền thờ Nguyễn Trãi nằm tại thôn Nhị Khê .

Đặc điểm kinh tế xã Thường Tín

Xã Thường Tín nổi bật với các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, giàu giá trị văn hóa và thẩm mỹ, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Các làng nghề như điêu khắc, tiện gỗ ở Nhân Hiền, lược sừng ở Thụy Ứng,… không chỉ góp phần bảo tồn giá trị nghề truyền thống mà còn tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, đặc biệt là những người có tay nghề cao.

Bên cạnh thế mạnh về làng nghề, xã còn có tiềm năng lớn để phát triển dịch vụ - thương mại nhờ vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông đồng bộ. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như vành đai 4, quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics, khai thác hiệu quả lợi thế cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Tuy không phải vùng nông nghiệp chuyên sâu, nhưng Thường Tín vẫn phát triển mảng nông nghiệp xanh, rau sạch và nghỉ dưỡng ven đô. Đặc biệt, nhờ hạ tầng phát triển, chính sách nông thôn mới và cải cách tưới tiêu, xã đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng trồng lúa đơn thuần sang đa dạng hóa sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng và mô hình kết hợp.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Thường Tín

Thường Tín là một vùng đất có bề dày văn hóa, giàu bản sắc địa phương, đời sống cộng đồng gắn bó, dân trí cao và năng động, là điểm tựa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, văn minh, nhân văn của khu vực phía Nam Thủ đô.

Xã sở hữu số lượng làng nghề lớn, các sản phẩm làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tạo sinh kế cho lao động địa phương mà còn là nơi lưu giữ kỹ thuật truyền thống, lưu giữ nét đẹp văn hóa xa xưa. Nhiều làng nghề nổi tiếng và lâu đời góp phần làm nên tên tuổi của địa phương, tiêu biểu như: làng nghề lược sừng Thụy Ứng, làng nghề điêu khắc gỗ Nhân Hiền,…

Hiện nay, thôn Đan Nhiễm là một trong rất ít địa phương ở Hà Nội còn lưu giữ nghệ thuật dân gian hát trống quân. Theo các bậc cao niên trong làng, hát trống quân ở Khánh Hà có từ thời vua Lê Thái Tổ. Hát trống quân là hình thức hát dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thường được tổ chức vào dịp lễ, Tết, hội làng. Từ xa xưa, hát trống quân được diễn xướng trong đời sống sinh hoạt, lúc cấy hái, khi nông nhàn với hình thức hát gọi, hát đố, hát họa, hát đối đáp…

Thường Tín còn là mảnh đất thiêng liêng gắn với nhiều di tích lịch sử, trong đó nổi bật là di tích tưởng niệm Nguyễn Trãi tại thôn Nhị Khê. Đây là nơi ghi dấu công lao của vị khai quốc công thần triều Hậu Lê và thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái, tưởng nhớ.

Hệ thống trường học trên địa bàn xã Thường Tín được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp học, từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Nhờ đó, việc học tập của học sinh tại địa phương được đảm bảo liên tục và đồng bộ. Đặc biệt, trên địa bàn còn có Trường Cao đẳng Truyền hình - trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và mở rộng cơ hội học tập cho thanh niên trong và ngoài khu vực.

Trên địa bàn xã có hệ thống y tế hiện đại, trong đó nổi bật là Bệnh viện Đa khoa Thường Tín đã được trang bị tiên tiến, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, địa phương còn có Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - cơ sở y tế tuyến trung ương chuyên khám chữa bệnh, phòng ngừa và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới y tế chuyên sâu của cả nước.

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Thường Tín: Số 01, đường Thượng Phúc, xã Thường Tín (địa chỉ cũ: số 01, đường Thượng Phúc, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín).
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thường Tín: đồng chí Nguyễn Xuân Minh.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thường Tín: đồng chí Phan Thanh Tùng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thường Tín: đồng chí Nguyễn Toàn Thắng.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-thuong-tin-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344168.htm