Xã Tuân Tức chuyển mình

Từ một vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn, xã Tuân Tức (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) hôm nay đang khoác lên mình diện mạo mới. Những tuyến đường nông thôn khang trang, những ngôi nhà vươn cao giữa cánh đồng, tiếng máy cày hòa cùng tiếng trẻ thơ ríu rít đến trường... tất cả là minh chứng sống động cho sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất từng lặng lẽ nơi cuối huyện. Đằng sau những đổi thay ấy là câu chuyện về sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân và sức sống mới đang nhen lên từ chính mảnh đất này.

Từ lối mòn năm cũ

Ai từng đến xã Tuân Tức vào những năm trước, hẳn vẫn chưa quên hình ảnh của một vùng quê còn nhiều khó khăn. Những con đường đất trơn trượt vào mùa mưa, mùa nắng bụi tung trắng trời. Những mái nhà tranh vách lá nằm nép bên kênh rạch, những lối mòn len giữa ruộng đồng... Không chỉ tụt hậu về hạ tầng, Tuân Tức từng là vùng “trũng” về kinh tế, giáo dục và cơ hội phát triển. Người dân sống dựa vào nông nghiệp truyền thống, canh tác nhỏ lẻ, lệ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Thiếu đất sản xuất, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin thị trường… khiến kinh tế nông hộ giẫm chân tại chỗ.

Thế nhưng, trong gam màu cũ kỹ đó, một cuộc chuyển mình âm thầm đã bắt đầu. Không rầm rộ cờ hoa, không ồn ào khẩu hiệu, sự thay đổi len lỏi qua từng bước chân cán bộ xã, từng buổi họp dân giữa sân nhà, từng lần người dân được hướng dẫn làm chuồng trại, trồng rau, nuôi heo. Những mạch ngầm đổi thay ấy cứ lặng lẽ chảy, chảy mãi, rồi đến một ngày, chúng vỡ òa thành sức sống. Từ trong bùn lầy trỗi dậy những con đường. Từ trong khốn khó vươn lên những nếp nhà, bật dậy những niềm tin…

Tận dụng đất quanh nhà để trồng rau, nuôi gà giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập mỗi ngày. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Tận dụng đất quanh nhà để trồng rau, nuôi gà giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập mỗi ngày. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Từ ấp Trung Hòa đến Tân Định, từ những bờ kênh bùn lầy đến những lối mòn nhỏ hẹp, nay đã hiện diện những con đường bêtông thẳng tắp. Nhà cửa khang trang mọc lên bên cạnh vườn cây xanh mát, ao cá, chuồng trại được quy hoạch hợp lý. Những mô hình kinh tế mới được thử nghiệm, và điều quan trọng - người dân không còn sống cầm chừng mà chủ động làm chủ cuộc sống của mình.

Đồng hành trong từng đổi thay

Đằng sau những đổi thay ấy là chuỗi ngày dài nỗ lực của chính quyền địa phương trong triển khai các chính sách dân tộc một cách đồng bộ, linh hoạt và sát thực. Đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Xã Tuân Tức hiện có khoảng 2.500 hộ dân, phần lớn là người dân tộc Khmer và Hoa. Họ có đất nhưng thiếu kiến thức canh tác, thiếu kết nối thị trường và kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp lấp đầy những khoảng trống ấy.

Riêng năm 2024, xã đã triển khai 9 dự án và tiểu dự án, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như hỗ trợ đất ở, nước sạch, chuyển đổi nghề, đầu tư hạ tầng giao thông - sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo tồn văn hóa. Trong đó, nổi bật là dự án hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, giúp 66 hộ dân có nhà kiên cố và sinh kế ổn định.

Không dừng lại ở việc “cho cần câu”, chính sách còn “chỉ cách câu cá”. Mô hình nuôi heo sinh sản được triển khai tại 3 ấp, cấp phát 224 con giống cho 45 hộ dân. Cán bộ không chỉ trao heo, mà còn xuống tận nơi hướng dẫn cách xây chuồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch. Người dân bắt đầu có tư duy tính toán: bán lứa đầu để tái đầu tư, nuôi heo như giữ của.

Cùng với sinh kế, hạ tầng giao thông - vốn là “nút thắt” của vùng nông thôn sâu - cũng được tháo gỡ. Hai tuyến đường Trung Thống - Tân Định và kênh Ông Cua được bêtông hóa sạch sẽ, rộng rãi, giúp người dân đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, trẻ em đến trường an toàn hơn.

Ngôi nhà kiên cố đã giúp người dân an tâm lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ngôi nhà kiên cố đã giúp người dân an tâm lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đồng chí Sơn Dỏi - Chủ tịch UBND xã Tuân Tức chia sẻ: “Các chính sách giảm nghèo đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân, giúp họ chủ động tham gia sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Chúng tôi xác định, sự đồng lòng của người dân là yếu tố then chốt để chương trình thực sự phát huy hiệu quả”.

Chính quyền xã cũng làm tốt vai trò cầu nối, củng cố Ban Quản lý chương trình cấp xã, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lắng nghe và giải quyết khó khăn. Trong năm qua, có hơn 40 buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, thu hút trên 2.100 lượt người dân tham gia - không chỉ để nghe mà còn để phản biện, đề xuất mô hình phù hợp thực tiễn.

Sức sống từ những điều đời thường

Một ngày tháng ba rực nắng, chúng tôi trở lại ấp Trung Hòa, ghé thăm căn nhà mới xây của bà Trần Thị Thon. Trước sân nhà là vạt chuối xanh rì và những luống rau mơn mởn. Bà Thon tay vừa rải thóc cho gà ăn vừa cười kể: “Ngày xưa, mưa xuống là nhà dột tứ phía, nằm trong mùng mà phải đội nón. Nay nhà xây kiên cố, được học nuôi gà, có người tới tận nơi hướng dẫn. Gà đẻ đều, mỗi ngày bán được trứng, có tiền lo cho đứa nhỏ đi học”.

Ánh mắt bà không còn là ánh nhìn của người mưu sinh vất vả, mà là ánh nhìn của người đặt niềm tin vào tương lai. Niềm tin ấy không đến từ đâu xa - nó nảy mầm từ mảnh vườn sau nhà, từ luống rau đang lớn lên mỗi ngày, từ những đổi thay thầm lặng nhưng chắc chắn. Cách nhà bà Thon không xa, ông Đồ Kim Sà Phép cũng là minh chứng cho sự thay đổi đời sống kinh tế nông hộ. Ông Sà Phép chia sẻ: “Hồi đầu tôi cũng lo sợ mình không làm được. Nhưng cán bộ xã xuống chỉ dẫn tận tình, giờ nuôi heo, trồng rau màu tốt lắm. Bà con hàng xóm thấy vậy cũng làm theo”.

Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống người dân, xã chú trọng nâng cao năng lực cộng đồng: mở lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo nông nghiệp, sinh hoạt bảo tồn văn hóa dân tộc. Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại các ấp cũng phát huy hiệu quả, giúp phát hiện - hỗ trợ kịp thời các hộ gặp khó khăn, giảm tệ nạn xã hội. Những gì đang diễn ra không ồn ào, không hoa mỹ nhưng như mạch nước ngầm, nó lan ra, thấm dần vào đời sống người dân.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Một số hộ dân chưa quen với mô hình sản xuất mới, thiếu vốn đối ứng, khiến việc duy trì còn bấp bênh. Các lĩnh vực như y tế học đường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục văn hóa dân tộc vẫn cần đầu tư mạnh hơn. Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn là điểm nghẽn lớn.

Chính quyền xã đã đề xuất các cấp đầu tư thêm trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng như khóm Tân Định, gà vườn, cá đồng, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP - vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Tuân Tức Sơn Dỏi nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ muốn xóa nghèo, mà còn hướng đến xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự chủ, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Không còn là Tuân Tức của những “lối mòn năm cũ” mà là một Tuân Tức đang khẳng định mình, vươn lên từng ngày. Những người nông dân chân lấm tay bùn, giờ đã biết nuôi ước mơ, biết tính toán, biết tự hào về quê hương mình. Sự chuyển mình ấy không phải là viễn cảnh xa xôi. Nó đang hiện hữu - trong từng ánh mắt, từng luống rau, từng lớp học, từng nếp nhà mới xây.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/202504/xa-tuan-tuc-chuyen-minh-a7b4d3e/