Xã vùng cao Vân Am nỗ lực về đích nông thôn mới

Được coi là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Lặc, Vân Am không có nhiều điều kiện phát triển và XDNTM như nhiều địa phương miền núi. Tuy nhiên, với sự 'tăng tốc' thời gian gần đây, xã và huyện Ngọc Lặc đánh giá đã cơ bản hoàn thiện 19 tiêu chí NTM, đồng thời gửi hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định đạt chuẩn.

Lực lượng công an xã Vân Am đồng hành cùng người dân để kiên cố đường thôn theo tiêu chí NTM.

Lực lượng công an xã Vân Am đồng hành cùng người dân để kiên cố đường thôn theo tiêu chí NTM.

Vân Am với 98% đồng bào Mường, lại đa phần hộ chưa khá giả về kinh tế nên việc “thông tư tưởng” cho cán bộ và Nhân dân trong xã để chung tay XDNTM là cả vấn đề nan giải những năm đầu. Từ thực tế đó, xã đã duy trì công tác tuyên truyền thông qua các buổi họp thôn, trên loa truyền thanh xã, qua hàng chục cuộc tập huấn... Qua đó mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã nắm được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình XDNTM, coi đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” của Ủy ban MTTQ xã, cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân đã chung tay góp sức.

Hội LHPN xã triển khai “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” gồm “Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có tri thức, có nếp sống văn hóa và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Hội nông dân với phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, “Trồng hàng rào cây xanh”, “Xây dựng trang trại, gia trại”, phong trào chỉnh trang khuôn viên nhà ở, vườn hộ, làm đường bê tông từ nhà ra ngõ... Hàng năm, hội đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền và tổ chức triển khai. Hội cựu chiến binh thành lập câu lạc bộ “Cựu chiến binh với vệ sinh môi trường”, “Xây dựng lò đốt rác”, triển khai thực hiện các phong trào “Trồng cây xanh nơi công cộng”, “Xây dựng đường điện chiếu sáng” trên địa bàn tại 11 thôn và các nhà văn hóa thôn. Đoàn thanh niên đã triển khai các phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM” gắn với việc “Thực hiện phong trào chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa và công tác vệ sinh môi trường ở các thôn”; phong trào “Ngày chủ nhật sạch”. Người dân địa phương cũng được khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hợp tác để từng bước nâng cao thu nhập; chung sức xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Xuyên suốt hành trình XDNTM từ năm 2012 đến nay, xã Vân Am đã huy động tổng nguồn lực hơn 252,8 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí, trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ qua các chương trình, dự án hơn 65,3 tỷ đồng, ngân sách xã huy động hơn 2,15 tỷ đồng. Nguồn lực còn lại do Nhân dân địa phương chung sức huy động hơn 185,3 tỷ đồng, trong đó giá trị ngày công và hiện vật xây dựng các công trình 855 triệu đồng, giá trị hiến đất gần 2 tỷ đồng, góp nguồn lực xây dựng các công trình công cộng gần 5,2 tỷ đồng, còn lại là tự bỏ kinh phí chỉnh trang, xây dựng nhà cửa và công trình phụ theo tiêu chí NTM.

Nằm giáp bên phía các xã vùng sâu của huyện Lang Chánh, lại bị dòng sông Âm chia cắt nên tiêu chí giao thông trở thành thách thức lớn nhất trong lộ trình XDNTM ở Vân Am. Từng bước gỡ khó với sự đồng hành của người dân và nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, đến nay, xã đã huy động gần 46 tỷ đồng để phát triển hệ thống giao thông. Từ đó, tỷ lệ đường thôn và liên thôn trong xã cũng được cứng hóa hơn 70%. Gần 20km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đều được mở rộng, bê tông và nhựa hóa. Từ sự kết nối đó, hiện nay con đường từ xã ra Phố Châu và trung tâm huyện đã rộng mở, lưu thông phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung được xã Vân Am xác định là trọng tâm trong XDNTM. Phát huy lợi thế có nhiều đất rừng sản xuất, xã đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật... Diện tích nông nghiệp được trồng mướp đắng lấy hạt, ớt xuất khẩu, lúa, mía nguyên liệu, có vai trò cầu nối liên kết của HTX nông nghiệp địa phương. Các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích. Hiện nay trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động. Thu nhập trung bình của người dân địa phương nhờ đó cũng không ngừng tăng lên. Năm 2012 chỉ đạt 17,5 triệu đồng/người/năm, đến năm 2023 tăng lên trên gần 46 triệu đồng/người/năm. Từ nỗ lực phấn đấu của các hộ, kết hợp với các chương trình tín dụng của các tổ chức chính trị xã hội, quỹ “Vì người nghèo” của huyện và xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư giống cây trồng, vật nuôi đã giúp hàng trăm hộ thoát khỏi đói nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều của xã chỉ còn 5,84%.

Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa từ xã đến 11 thôn đã được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Mường địa phương được duy trì và phát triển mạnh những năm gần đây, xóa đi những tư tưởng lạc hậu, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Những ngày gần đây, các đoàn công tác của các sở, ngành cấp tỉnh là thành viên Hội đồng Thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa đã về xã thẩm định các tiêu chí NTM của Vân Am. Thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cho biết Vân Am sẽ được đưa ra xem xét thẩm định trong hội nghị cấp tỉnh gần nhất.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xa-vung-cao-van-am-no-luc-ve-dich-nong-thon-moi-224303.htm