Xã Yên Mông: Cấp thiết xử lý điểm 'đen' về sạt lở đất tại xóm Bún
Từ đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 đến nay, cứ mưa lớn là 4 hộ dân thuộc xóm Bún, xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình) lại như ngồi trên đống lửa, bởi ở phía sau ngôi nhà của họ là hàng nghìn m3 đất đã nứt nẻ, mất kết cấu có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Từ đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 đến nay, cứ mưa lớn là 4 hộ dân thuộc xóm Bún, xã Yên Mông (thành phố Hòa Bình) lại như ngồi trên đống lửa, bởi ở phía sau ngôi nhà của họ là hàng nghìn m3 đất đã nứt nẻ, mất kết cấu có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Trong báo cáo thiệt hại do mưa lớn gây ra bởi ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2 của UBND xã Yên Mông, hộ bà Vũ Xuân Hương, Nguyễn Thị Bàn, ông Nguyễn Tiến Chân, Nguyễn Văn Tin lại được "điểm danh” diện bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Như vậy, đã gần 7 năm qua, cứ vào mùa mưa bão, 4 hộ dân này luôn nằm trong danh sách chính quyền liệt kê ở diện sạt lở cao mà vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Sau 2 ngày mưa tầm tã do ảnh hưởng của bão số 2 (ngày 23 - 24/7), chúng tôi có mặt tại 4 hộ dân nói trên, phía sau nhà nước vẫn chảy từ trên đồi xuống. Đặc biệt, trên đồi tiếp tục xuất hiện những vết nứt lớn, đất và cây cối bị tụt xuống thấy rõ.
Gia đình bà Vũ Xuân Hương là hộ đã trải qua những phút giây kinh hoàng do sạt lở đất trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017. Kể từ đó đến nay không biết bao nhiêu đêm gia đình bà Hương mất ăn, mất ngủ vì mưa lớn. Ngôi nhà được xây dựng khang trang, một bên là chuồng trại chăn nuôi lợn. Thế nhưng, cơ ngơi có giá trị tiền tỷ của gia đình bà lại luôn nơm nớp trước quả "bom đất” phía sau nhà. "Gia đình tôi đã ở đây nhiều đời nhưng đến năm 2017 mới xảy ra sạt lở đất. Năm đó phải hô hoán cầu cứu bà con trong xóm đến vận chuyển giúp đồ đạc. Cuối tháng 9 năm ngoái, mưa lớn tiếp tục làm đất sạt lở, sập hết bờ kè. Tối 23/7 vừa rồi, gia đình đã định hô hoán bà con đến giúp vì nước chảy to mà bùn trên đồi đã nhão hết, có thể ụp xuống bất cứ lúc nào”, bà Hương cho biết.
Năm 2017, khối lượng lớn đất bị sạt lở đã ập vào giữa nhà của gia đình bà Hương và sạt vào chuồng trại, làm chết vài con lợn. Trước nguy cơ sạt lở luôn hiện hữu, gia đình bà Hương đã xin chính quyền được san gạt và xây bờ kè. Nhưng sau mấy trận mưa lớn, bờ kè đã bị phá hỏng hoàn toàn, đất sạt lở xô bờ kè xuống sát với nhà ở. "Gia đình tôi rất lo lắng cho sự an toàn của người và tài sản. Rất mong được các cấp chính quyền hỗ trợ, cho phép máy xúc vào san gạt phần đất, đá bị trôi tụt. Nếu không xử lý chắc chắn sẽ tiếp tục sạt lở”, bà Hương bày tỏ. Lo lắng của bà Hương là có cơ sở, khi kế bên là nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Tin bị đất, đá xô vào tường nhà xuất hiện một số vết nứt.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bàn cũng từng trải qua phen hú vía khi bị đất đồi phía sau sạt lở vào nhà. Hiện trên tường nhà vẫn còn dấu bùn đất. Mấy hôm trời mưa to, bà Bàn cũng không thể nào chợp mắt vì nước chảy xuống xối xả, kèm theo bùn đất. Để ngăn nước chảy vào nhà, bà Bàn thường xuyên hót dọn bùn, đào rãnh cho nước chảy. "Gia đình tôi rất lo lắng, cả đêm không dám ngủ vì sợ đất lại sạt vào nhà như mấy năm trước. Cứ mỗi trận mưa đất lại chảy xuống mà trên đồi ngày càng sạt lở nhiều. Gia đình tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ san gạt đất để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão”, bà Bàn bày tỏ.
Trao đổi với lãnh đạo xã Yên Mông cho thấy, việc xử lý điểm sạt lở tại xóm Bún là nỗi trăn trở lớn của chính quyền. Đồng chí Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mông cho biết: 4 hộ dân thuộc xóm Bún có nguy cơ cao về sạt lở đất ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Ngay trước đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2, xã đã gửi văn bản xin ý kiến của thành phố để thực hiện phương châm "4 tại chỗ”. Theo đó, thành phố cho phép xã phối hợp với gia đình để san gạt đất phía sau nhà nhưng hiện vẫn chưa có ý kiến trả lời. Vì vậy, trước mắt, vào những đợt mưa lớn, xã tuyên truyền các hộ dân, tổ, nhóm ở xóm Bún, nếu có nguy cơ cao về sạt lở sẽ hỗ trợ các hộ dân di dời người, tài sản liên quan. Còn về giải pháp sau này xã đang chờ ý kiến của thành phố.
Nguy cơ sạt lở tại 4 hộ dân xóm Bún đang hiển hiện, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Thực trạng này đã tồn tại gần 7 năm qua, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố Hòa Bình, nhất là đang vào cao điểm của mùa mưa bão.