'Xác ảo' – tân binh trong hệ thống công nghệ 'xịn' của Đại học VinUni
Nhờ bàn giải phẫu tương tác ảo 3D Pirogov, sinh viên y khoa được thoải mái thực hành trên xác ảo. Đây là một trong những giáo cụ công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay, vừa được Trường Đại học VinUni đưa vào sử dụng.
Xóa cảnh học y khoa bằng… tưởng tượng
Tốt nghiệp một trong những đại học y dược có cơ sở vật chất hiện đại, nhưng BS. Nguyễn Thế Duy, học viên Bác sĩ nội trú khóa I của Trường Đại học VinUni vẫn rất phấn khích khi lần đầu tiên được chạm tay vào bàn giải phẫu tương tác ảo 3D Pirogov. Sản phẩm được các các nhà khoa học và giới y khoa Nga phát triển, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và các công nghệ máy tính hiện đại nhất trong giải phẫu.
Theo nam bác sĩ đến từ TP.Hồ Chí Minh, hiện tại khi học giải phẫu, ngoài giáo trình, tranh ảnh và mô hình đơn giản, sinh viên trường nào may mắn mới được học trên xác người hiến tặng. Tuy nhiên, do xác đã qua xử lý ngâm formol, nhiều cơ quan, bộ phận đã biến dạng, hình thái không còn chân thực như trên cơ thể sống, thậm chí có thể khác cơ thể thật tới 20-30%.
“Điều này đôi khi khiến bác sĩ bỡ ngỡ khi thao tác trên người thực”, nam bác sĩ trẻ bộc bạch.
Chính vì thế, bàn giải phẫu tương tác ảo 3D Pirogov mà VinUni mới tiếp nhận được cho là giải pháp công nghệ sẽ mang tới đột phá trong đào tạo y khoa của trường đại học này nói riêng, của Việt Nam nói chung.
Sản phẩm 3D Pirogov là công cụ thay thế cho tử thi trong đào tạo y khoa, chứa đựng bên trong 2 “xác ảo”, một nam, một nữ. Bàn giải phẫu ảo này có thiết kế giống như một chiếc máy tính bảng khổng lồ, màn hình cảm ứng 8K với công nghệ hình ảnh 3D độ phân giải cao, tốc độ hiển thị nhanh, dễ thao tác.
Bàn giải phẫu tương tác ảo có thể xem là một công cụ mới, đặc biệt hữu ích cho đào tạo y khoa thế giới cũng như tại Việt Nam
Nhờ được “mổ xẻ” không giới hạn số lần “xác ảo” trên bàn 3D, sinh viên có thể bóc tách đến từng chi tiết các lớp, các bộ phận cơ thể con người để xem cấu trúc bên trong và xem mối liên hệ giữa chúng ở không gian 3 chiều. Ngay cả các bộ phận nhỏ li ti như mạch máu hay dây thần kinh vốn khó nhìn thấy bằng mắt thường cũng hiện ra sắc nét và chân thật.
Theo giáo sư chuyên ngành Giải phẫu Stephen Schiffer, Viện Khoa học Sức khỏe VinUni, xác hiến tặng từng rất phổ biến cho việc học Giải phẫu. Tuy nhiên, việc phải tiếp xúc với các hóa chất bảo quản xác rất độc hại ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cả sinh viên và giáo viên. Ngoài ra, xác người ngày càng khan hiếm, lại càng không thể mổ xẻ nhiều lần nên nhiều khi chỉ mang tính trưng bày.
Vị giáo sư đến từ Đại học Georgetown (Top 15 đại học tốt nhất nước Mỹ), cho biết bàn giải phẫu tương tác ảo có thể xem là một công cụ mới, đặc biệt hữu ích cho đào tạo y khoa thế giới cũng như tại Việt Nam. Điểm ưu việt là “cỗ máy” này cho phép kết nối với các màn hình ngoài, thuận tiện cho việc dạy, học của nhiều sinh viên cùng lúc. Đặc biệt, Pirogov là dòng thiết bị duy nhất trên thị trường đi kèm các USB để giảng viên, sinh viên tải và cài đặt vào máy tính cá nhân phục vụ việc dạy, tự học từ xa.
“Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh các trường tăng cường học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh”, GS. Stephen Schiffer đánh giá.
Đầu tư “khủng” cho thiết bị công nghệ phục vụ đào tạo y khoa
3D Pirogov chỉ là một mắt xích trong chuỗi những thiết bị, công nghệ tiên tiến lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, phục vụ việc đào tạo y khoa của VinUni. Đơn cử trong số đó là Trung tâm mô phỏng giống như một bệnh viện hiện đại thu nhỏ. Nơi đây có những “bệnh nhân robot” tối tân có đầy đủ chức năng tuần hoàn, hô hấp... thậm chí còn biết đau, biết cảm nhận như người thật. “Bệnh nhân robot” được giả lập các trạng thái bệnh khác nhau để sinh viên thực hành mọi thao tác nhằm “cứu sống” như trên người bệnh thực thụ.
“VinUni đầu tư rất lớn cho Trung tâm mô phỏng y khoa để không chỉ dạy cho các bác sĩ tương lai những kỹ thuật về lâm sàng mà quan trọng hơn là đào tạo cho các em kỹ năng giao tiếp, thấu cảm với bệnh nhân”, PGS.TS. Lê Cự Linh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sức khỏe, trường Đại học VinUni cho biết.
Theo Bộ Y tế, đào tạo mô phỏng đang là một xu thế giáo dục hiện đại, được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có y khoa, nhất là tại các bệnh viện lớn và các trường đại học y khoa hàng đầu thế giới.
Ở đây, sinh viên không chỉ được học lý thuyết, thực hành các thủ thuật, các quy trình chăm sóc mà còn được tự mình trải nghiệm các tình huống lâm sàng giả định như thật để thực hành chẩn đoán, xử trí, chăm sóc, điều trị, nâng cao năng lực cá nhân và năng lực làm việc theo nhóm. Điểm mạnh của mô hình này là tạo ra cơ hội thực hành rất lớn cho các sinh viên và nhân viên y tế trong một môi trường an toàn hơn rất nhiều so với thực tế thực hành lâm sàng.
“Ở Việt Nam, hình thức đào tạo này hiện vẫn còn khá mới. Việc VinUni xây dựng trung tâm mô phỏng quy mô lớn và toàn diện sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần cải thiện chất lượng hệ thống y tế trong nước”, TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nhấn mạnh tại buổi lễ khai giảng và trao áo choàng trắng cho các sinh viên Viện Khoa học Sức khỏe vừa qua.
Cùng với chương trình chuẩn quốc tế được Đại học Pennsylvania (Mỹ) tư vấn xây dựng và kiểm định, VinUni được đánh giá là cơ sở đào tạo y khoa hiện đại hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Hệ thống trang thiết bị và công nghệ được đầu tư bài bản cũng là một trụ cột quan trọng giúp trường đại học tinh hoa đầu tiên của Việt Nam được tổ chức xếp hạng giáo dục đại học hàng đầu thế giới Quacquarelli Symonds “chấm điểm” 5 sao, ngưỡng điểm của các trường đẳng cấp quốc tế, cho hạng mục “Cơ sở vật chất”. Những thiết bị hiện đại như bàn giải phẫu ảo 3D Pyrogov mà VinUni mới tiếp nhận là sự thể hiện cam kết của trường trong việc ứng dụng các công nghệ y khoa tiên tiến nhất vào chương trình giáo dục.
“Đây là điều đáng tự hào, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của tập thể VinUni. Đó cũng là nền tảng để chuẩn bị ‘bệ phóng’ vững chắc cho VinUni trên con đường phát triển thế hệ nhân tài tương lai và ghi tên Việt Nam vào ‘bảng vàng’ giáo dục đại học thế giới”, GS. Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, chia sẻ.