Xác định 4 hành lang kinh tế chiến lược của Quảng Ngãi
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 22/11 vừa qua đã xác định 4 hành lang kinh tế chiến lược của tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, khái niệm hành lang kinh tế theo định nghĩa của Bộ Xây Dựng là “một khu vực, một vùng lãnh thổ nối liền các vùng lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia với mục đích liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của các khu vực địa - kinh tế nằm trên cùng một dải theo trục giao thông thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa và liên kết kinh tế giữa các vùng bên trong hành lang cũng như các vùng kế cận.”
Theo định nghĩa này, trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, dựa trên những tiềm năng liên kết vùng, liên kết nội tỉnh và trên các phân vùng không gian phát triển kinh tế xã hội nêu trên, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có 4 hành lang kinh tế.
Bao gồm: Hành lang kinh tế Bắc Nam (Dung Quất - thành phố Quảng Ngãi - Sa Huỳnh), đây là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh với chức năng liên kết các trung tâm kinh tế đô thị và dịch vụ hành chính, gắn kết các huyện đồng bằng ven biển; xây dựng phương án, bố trí không gian phát triển các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics gắn với hành lang này.
Hành lang Đông Tây phía Bắc (Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C, mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang). Đây là hành lang liên kết quốc tế, đối ngoại kết nối Khu kinh tế Dung Quất với các huyện phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan, tiềm năng trở thành một hành lang kinh tế vận chuyển, giao thương hàng hóa quốc tế, tập trung phát triển du lịch văn hóa, sinh thái và nông lâm nghiệp.
Hành lang Đông Tây phía Nam (Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y): Từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong - Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi. Đây là hành lang cửa ngõ kinh tế biển, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông lâm nghiệp và khai thác thủy sản.
Cuối cùng là Hành lang kinh tế kết nối nội vùng dọc tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ (Ba Vì - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng). Đây là hành lang kinh tế xanh kết nối với hai hành lang Đông Tây của tỉnh để hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng kết nối.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mục tiêu của việc định ra các hành lang kinh tế nhằm liên kết trong các khu vực trong nội và ngoại tỉnh, từ đó hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ngãi sẽ là một hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của Vùng, phát huy vị thế liên kết vùng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ cộng sinh phát triển giữa các không gian kinh tế của tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận.