Xác định chủ sở hữu thực sự của ngân hàng để phá 'ma trận' sở hữu chéo

Thành lập ngân hàng, đồng thời thành lập doanh nghiệp đứng đằng sau, thậm chí thành lập các hệ sinh thái, để thao túng hoạt động tín dụng. Đây chính là ma trận 'sở hữu chéo' trong hệ thống ngân hàng – thứ đã tồn tại hàng thập kỷ qua và đến hôm nay, hệ quả nhãn tiền là hơn 300 nghìn tỷ đồng bị cáo buộc chiếm đoạt trong vụ án Vạn Thịnh Phát - SCB. Sở hữu chéo là vấn đề nóng được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến tại hội trường chiều 23/11 về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, việc quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông, giảm tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng như trong dự thảo, mới chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm. Để phá bỏ “ma trận” sở hữu chéo thì cần nhiều hơn thế.

Dự thảo sửa đổi theo hướng siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần. Cụ thể, tại tổ chức tín dụng, một cá nhân không được sở hữu quá 5 % vốn điều lệ ( giữ nguyên như hiện nay) . Cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 5 % (hiện là 15%); cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 11 % ( hiện là 20%)

Nhắc đến vụ Ngân hàng SCB, một số đại biểu đánh giá, việc giảm tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng có thể dễ dàng được thống kê trên giấy tờ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc là cần xác định được ai là ông chủ, bà chủ thực sự nắm quyền chi phối ngân hàng đó. Bởi họ có thể lách luật bằng những cách tinh vi như nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần, dựng lên nhiều doanh nghiệp ma để vay vốn. Do đó, các quy định cứng hữu hình không thể nào kiểm soát được các thủ đoạn vô hình.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết vấn đề sở hữu chéo đã Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 từ năm 2014 để xử lý. Tuy nhiên, vụ SCB và thực tế chứng minh mục tiêu kiểm soát này chưa thực hiện được. Sẽ cần thêm rất nhiều cơ chế giám sát để phát hiện và ngăn chặn các ma trận sở hữu chéo.

Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đồng tình với ý kiến của đại biểu là phá bỏ “ma trận” sở hữu chéo thì riêng ngành ngân hàng chưa đủ. Việc phát hiện, ngăn chặn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng NN và bộ ngành.

Với nhiều vấn đề phức tạp còn tranh luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Ủy ban Kinh tế cùng các cơ quan của Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật, để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/xac-dinh-chu-so-huu-thuc-su-cua-ngan-hang-de-pha-ma-tran-so-huu-cheo-199725.htm