Xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Đó là một trong những nội dung kết luận của đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng sau buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Lạt vào ngày 12/8.
ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CHO NGƯỜI DÂN NẾU GIÃN CÁCH XÃ HỘI
Theo kết luận, tính đến thời điểm 10 giờ, ngày 12/8/2021, toàn tỉnh ghi nhận 163 ca nhiễm Covid-19; trong đó, thành phố Đà Lạt ghi nhận 94 ca, số ca F1 đã truy vết: 545 người, số ca F2 đã truy vết: 806 người. Đến nay, toàn bộ F1, F2 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại xã Xuân Trường, xã Trạm Hành và mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các chợ và các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt và thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương cho trên 11.500 đối tượng. Tất cả các ca dương tính, ca nghi nhiễm đã được cách ly và tiếp tục truy vết, không để lây lan dịch ra cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp khẩn, xem xét trên nhiều khía cạnh, phân tích những yếu tố thuận lợi, khó khăn, kết quả truy vết F0 trên địa bàn và ý thức chấp hành của người dân thành phố Đà Lạt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đã thống nhất chưa xem xét việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
UBND tỉnh nhận thấy việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp chính quyền thuận lợi trong công tác phòng chống dịch nhưng sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân. Chính vì vậy, trong những ngày tới, trường hợp đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng và không xác định được nguồn lây, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ xem xét, báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho áp dụng ngay biện pháp giãn cách toàn thành phố Đà Lạt theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đây là biện pháp mà lãnh đạo tỉnh không mong muốn áp dụng. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân, phải chấp nhận hy sinh nhiều lợi ích để thực hiện và thành phố Đà Lạt đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo đời sống, cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân… trong trường hợp phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
NẮM CHẮC TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH ĐỂ CÓ PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ PHÙ HỢP
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước hết, phải xác định công tác phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất hiện nay nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân thành phố là trên hết, trước hết; không để người dân bị thiếu ăn, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết do dịch bệnh; đồng thời, không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, giảm mức độ nguy cơ dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Ngoài các biện pháp đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Đà Lạt trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cấp ủy, chính quyền thành phố cần xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác bởi Đà Lạt là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của tỉnh nên cần phải tăng cường sự vào cuộc tích cực hơn, mạnh mẽ hơn để đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời sống Nhân dân.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hoặc nghiên cứu vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh đối với các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo trong thời gian qua, đặc biệt là Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy, Văn bản số 5234/UBND-VX3 ngày 23/7/2021 và Kế hoạch số 5488/KH-UBND ngày 03/8/2021 của UBND tỉnh.
Tiếp tục nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có phương án xử lý phù hợp; trong đó, cần thực hiện nghiêm 8 bước phòng, chống dịch, đó là: Ngăn chặn không để đối tượng F0 xâm nhập vào địa bàn mà trước đó không có giải pháp; phát hiện; truy vết nhanh, thần tốc đối tượng F0 trong vòng 24 giờ; sàng lọc; xét nghiệm; khoanh vùng; dập dịch và ổn định tình hình, tuyệt đối không để xảy ra tình hình dịch bệnh như thời gian vừa qua.
Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp, kịch bản chi tiết khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, cần có giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho từng đối tượng trên địa bàn, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa; tuyệt đối không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, sốt giá, đầu cơ, găm hàng... để người dân yên tâm.
Quán triệt và yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu đang xây dựng các công trình cấp bách trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là phương án “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ) hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến” cho công nhân; có phương án bố trí cho công nhân ăn, nghỉ tại chỗ (xây lán trại, nhà tạm, nhà tiền chế...); tổ chức tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19 theo định kỳ nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Trường hợp các công trình xây dựng không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng toàn bộ hoạt động.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm; tổ chức tiêm ngay cho lực lượng nhân viên giao hàng, công nhân xây dựng, nhân viên các nhà máy chủ lực, bà con tiểu thương và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch. Chỉ đạo các thôn, khu phố chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để triển khai xây dựng các mô hình phòng chống dịch tự quản hiệu quả, các “Chốt bảo vệ vùng xanh”, Khu dân cư an toàn để ngăn ngừa, kiểm soát sự xâm nhập, lây lan, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; chủ động nắm chắc tình hình, có kế hoạch cụ thể đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đầy đủ cho người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong mọi tình huống và không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu do dịch bệnh; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đặc biệt là các địa bàn đang giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tuần tra 24/24 để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội và các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn...