Xác định đúng mục tiêu, hiệp đồng tác chiến linh hoạt

Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, tháng 10-1965, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch tiến công quân địch ở khu vực Bàu Bàng-Dầu Tiếng, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) nhằm hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị ở vùng ven Sài Gòn, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam chống chiến lược 'chiến tranh cục bộ' của đế quốc Mỹ.

Đầu tháng 10-1965, Bộ tư lệnh chiến dịch họp bàn xác định đánh vào chi khu Dầu Tiếng là trận mở màn chiến dịch; đồng thời dự kiến nếu quân Mỹ ở Lai Khê, Bến Cát nống ra Quốc lộ 13, hoặc Tỉnh lộ 16 (đoạn đi Chơn Thành) thì tập trung đánh Mỹ trước.

Trong khi ta đang chuẩn bị chiến dịch thì ngày 10-11-1965, Mỹ đưa hai tiểu đoàn bộ binh của lữ đoàn bộ binh 3 thuộc sư đoàn bộ binh số 1 (sư đoàn ‘‘anh cả đỏ”) được tăng cường hai chi đoàn xe tăng, thiết giáp và một đại đội pháo, từ Lai Khê theo Quốc lộ 13 hành quân lên ấp Bàu Bàng, sau đó tổ chức đóng quân thành hai cụm: Cụm 1 ở bắc ấp Bàu Bàng, cụm 2 ở nam ấp Đồng Sổ (nay là khu phố Đồng Sổ, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Địch bố trí phòng ngự hình vòng, lấy xe tăng, thiết giáp làm vỏ bọc. Đề phòng ta tiến công, ban đêm địch thu hẹp đội hình, thay đổi vị trí, cụm 1 chuyển từ bắc xuống nam Bàu Bàng, cụm 2 từ nam lên bắc Đồng Sổ. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Thời cơ tiêu diệt địch ngoài công sự đã xuất hiện và quyết định tổ chức trận then chốt mở đầu chiến dịch tại khu vực Bàu Bàng. Đồng thời, ra lệnh cho Sư đoàn Bộ binh 9 chủ lực Miền (thiếu) bí mật cơ động áp sát, nhanh chóng hình thành thế bao vây khu vực trú quân của địch.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 tham gia Chiến dịch Bàu Bàng-Dầu Tiếng trong Lễ tuyên thệ diệt quân Mỹ. Ảnh tư liệu

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 tham gia Chiến dịch Bàu Bàng-Dầu Tiếng trong Lễ tuyên thệ diệt quân Mỹ. Ảnh tư liệu

Theo kế hoạch, 5 giờ 3 phút ngày 12-11-1965, ta dùng súng cối, ĐKZ bất ngờ bắn vào làm đội hình địch rối loạn, tạo điều kiện cho bộ binh từ các hướng, mũi nhanh chóng đột phá, thọc sâu, chia cắt từng cụm quân địch, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh của binh hỏa lực đột kích từ chính diện với vu hồi vào hai bên sườn đội hình quân địch.

Nét đặc sắc của bộ đội ta trong trận đánh này là ngay từ đầu đã sử dụng Tiểu đoàn 5 nhanh chóng áp sát, chia cắt hai cụm quân địch ở Bàu Bàng và Đồng Sổ, khiến chúng không thể chi viện hỗ trợ cho nhau. Đại đội 11 của Tiểu đoàn 6 hiệp đồng chặt chẽ với Trung đội 2, Đại đội 2 của Tiểu đoàn 1 nhanh chóng thọc sâu đánh trúng sở chỉ huy và trận địa pháo địch, khiến chúng rối loạn, tạo điều kiện cho các hướng, mũi thọc sâu, vu hồi phát triển tiến công.

Đối với xe tăng, xe thiết giáp của địch, với cách đánh "bám sát, đánh gần, đan xen", ta đã hạn chế được chỗ mạnh, không cho địch phân tuyến đánh theo cách của chúng. Sau hơn 3 giờ chiến đấu, bộ đội ta làm chủ trận địa, kết thúc trận then chốt mở đầu chiến dịch.

Sau thất bại ở Bàu Bàng-Đồng Sổ, sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ tiếp tục mở cuộc hành quân vào khu vực Dầu Tiếng nhằm giải tỏa cho quân ngụy Sài Gòn đang bị bao vây, uy hiếp và tìm diệt chủ lực ta. Phán đoán đúng ý định của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch điều chỉnh lực lượng sẵn sàng đánh địch.

Ngày 26-11, chiến đoàn 7 thuộc sư đoàn 5 ngụy quân Sài Gòn từ làng 14 di chuyển đến làng 18 rồi đóng quân thành từng cụm ở các làng 32, 33, cách Dầu Tiếng 5km về phía nam. Trong điều kiện địch tạm dừng, trú quân như vậy, đội hình thường phải thu hẹp lại thành từng cụm để dễ chỉ huy, bảo vệ, đồng thời dễ chi viện ứng cứu cho nhau khi bị ta tiến công.

Theo dõi sát tình hình địch, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Đây là thời cơ đánh trận then chốt thứ hai và lập tức lệnh cho Trung đoàn Bộ binh 1 được tăng cường hai đại đội của Đoàn 70 nhanh chóng cơ động tiếp cận, bí mật hình thành thế bao vây địch.

Đúng 5 giờ ngày 27-11-1965, bộ đội ta được lệnh tiến công từ các hướng chính diện (chủ yếu) và hai bên sườn. Trên mỗi hướng hình thành hai thê đội và có dự bị, bảo đảm cả lực lượng tiến công và lực lượng chia cắt địch. Nhờ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ ngay từ lúc bắt đầu tiến công từ các hướng, kết hợp giữa tiến công chính diện và tổ chức các mũi vu hồi luồn đánh vào bên sườn và phía sau đội hình địch; đồng thời, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn bao vây, thọc sâu, vu hồi; kết hợp giữa xung lực và hỏa lực, ta đã nhanh chóng tiêu diệt từng cụm quân địch; sau đó đánh tan nhiều đợt phản kích của địch từ làng 18 lên, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ hai, kết thúc chiến dịch. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 tên địch, phá hủy hơn 100 xe quân sự, 10 pháo, cối, bắn rơi 2 máy bay, thu hơn 200 súng các loại.

Thắng lợi của hai trận then chốt Bàu Bàng và Dầu Tiếng đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến của bộ đội ta. Điểm nổi bật là ta xác định đúng mục tiêu (từ kế hoạch lúc đầu là tiến công địch ở Dầu Tiếng, chuyển sang đánh lữ đoàn 3 Mỹ tạm dừng trú quân ở Bàu Bàng-Đồng Sổ; tiếp đó đánh chiến đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn dừng trú quân ở nam Dầu Tiếng), giành và chủ động phát huy hiệu quả hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các hướng, mũi, giữa bộ binh và hỏa lực; đồng thời vận dụng linh hoạt các thủ đoạn tác chiến, tiêu diệt từng cụm quân địch để giành thắng lợi trong các trận then chốt và kết thúc chiến dịch.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xac-dinh-dung-muc-tieu-hiep-dong-tac-chien-linh-hoat-664333