Xác định được 17 tình trạng khiến bạn mắc COVID-19 'mãi không khỏi'
Nghiên cứu mới nhất từ các bác sĩ và nhà nghiên cứu tại Kaiser Permanente, Viện nghiên cứu Permanente Mid-Atlantic (MAPRI) và Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã xác định được 17 tình trạng liên quan đến COVID-19 kéo dài để chẩn đoán và điều trị tình trạng này tốt hơn.
Hầu hết những người mắc COVID-19 sẽ hồi phục trong vòng vài tuần. Nhưng một số người có các triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau lần nhiễm COVID-19 ban đầu. Những vấn đề này được gọi là hội chứng hậu COVID-19, có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và tăng gánh nặng bệnh tật đối với hệ thống y tế.
Khi ngày càng có nhiều bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài, việc xác định các triệu chứng liên quan đến COVID-19 dài ngày càng quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.
Tác giả chính của nghiên cứu Michael Horberg, bác sĩ bệnh truyền nhiễm, giám đốc y tế tại Kaiser Permanente, Mid-Atlantic Permanente Medical Group cho biết: “Mặc dù đã có nghiên cứu quan trọng được thực hiện để xác định định nghĩa lâm sàng của COVID-19 kéo dài, nhưng thực tế là căn bệnh này có thể rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Nghiên cứu của chúng tôi nhằm xác định các điều kiện có nhiều khả năng liên quan đến COVID-19 kéo dài."
Nghiên cứu này đã xem xét hồ sơ y tế của hơn 100.000 bệnh nhân người lớn ở bang Mid-Atlantic, Mỹ, trong đó hơn 30.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và hơn 70.000 người có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 vào năm 2020.
17 tình trạng được xác định là: bệnh đường hô hấp dưới khác, bệnh tiểu đường, bệnh đường tiêu hóa, chóng mặt, đau bụng, đau ngực không đặc hiệu, rối loạn sức khỏe tâm thần, rối loạn lo âu, các triệu chứng sinh dục, mệt mỏi và khó chịu, rối loạn nhịp tim, rối loạn hệ thần kinh,suy hô hấp, mất khứu giác, buồn nôn và ói mửa, rối loạn chất lỏng và điện giải, rối loạn dinh dưỡng, nội tiết và chuyển hóa.
Các nhà nghiên cứu quan tâm nhất đến các tình trạng phát triển ở bệnh nhân trong vòng 30 ngày sau khi xét nghiệm COVID-19 dương tính và tồn tại trong gần bốn tháng kể từ ngày sau xét nghiệm và các tình trạng phát triển trong khoảng thời gian từ 30 đến 120 ngày sau khi xét nghiệm dương tính. Các tình trạng chính bao gồm mất khứu giác, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, rối loạn sinh dục, mệt mỏi và đau ngực.
Bằng cách so sánh bệnh nhân dương tính với COVID-19 với bệnh nhân âm tính với COVID (nhóm đối chứng), các nhà nghiên cứu có thể xác định xem triệu chứng nào xuất hiện thường xuyên hơn ở nhóm dương tính với COVID-19, triệu chứng nào xảy ra thường xuyên hơn ở nhóm âm tính với COVID-19 và các triệu chứng xuất hiện với tỷ lệ như nhau ở cả hai nhóm.
Tiến sĩ Horberg nói: “Một lý do khiến COVID-19 kéo dài rất khó xác định là do nhiều triệu chứng của nó tương tự như các triệu chứng của các bệnh và tình trạng khác. Một số tình trạng từ trước có thể đã xuất hiện hoặc trở nên tồi tệ hơn vào thời điểm nhiễm COVID-19, nhưng điều đó không có nghĩa là nó nên được định nghĩa là COVID-19 kéo dài."
Nhìn chung, 16,5% bệnh nhân dương tính với COVID-19 trong nghiên cứu đã phát triển ít nhất một tình trạng kéo dài liên quan đến COVID-19 trong vòng 120 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính. Phát hiện này thấp hơn mức trung bình quốc gia của Mỹ, cho thấy gần 20% người Mỹ trưởng thành từng bị COVID-19 báo cáo có các triệu chứng COVID-19 kéo dài sau giai đoạn nhiễm trùng cấp tính.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một số bệnh nhân có thể đã phát triển bệnh tiểu đường sau khi bị nhiễm COVID-19. Hơn 780 bệnh nhân được chẩn đoán mới mắc bệnh tiểu đường từ 30 đến 120 ngày sau khi xét nghiệm COVID-19 dương tính.
Tiến sĩ Horberg và các nhà nghiên cứu đang mở rộng kiểm tra các điều kiện liên quan đến COVID-19 kéo dài trong một nghiên cứu khác. Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu sẽ xem xét dữ liệu từ năm 2021 đến năm 2022 và đi sâu hơn vào mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và COVID-19, tác động của các biến thể Delta và Omicron, tác động của vắc-xin và các mũi tiêm tăng cường.