Xác định được nguyên nhân 58 HS huyện Bảo Yên (Lào Cai) ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường PTDTBT Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên (Lào Cai) vừa được UBND huyện Bảo Yên bản thông báo.
4/7 mẫu thực phẩm nhiễm vi sinh E.Coli và Coliforms
Trước đó, ngày 1/10/2020, Trường PTDTBT Tiểu học Vĩnh Yên tổ chức bữa ăn trưa cho 151 HS ở bán trú. Bữa ăn gồm 4 món: Cơm trắng, thịt gà rang gừng, quả su su xào, canh bắp cải. Đến 17h00 cùng ngày, có 21 HS có biểu hiện sốt, đau đầu, đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn. Nhà trường đưa HS ra Trạm Y tế xã Vĩnh Yên điều trị. Đến 22h00 cùng ngày, tiếp tục có thêm 26 HS có biểu hiện tương tự được phụ huynh đưa vào Trạm Y tế điều trị (trong đó có 8 HS có triệu chứng sốt cao liên tục trên 39 độ được chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên điều trị).
Đến ngày 3/10/2020, có thêm 11 HS có các biểu hiện sốt được đưa vào Trạm Y tế điều trị. Tổng số có 58 HS có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm được theo dõi, điều trị tại Trạm Y tế xã Vĩnh Yên và Bệnh viện đa khoa huyện.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố an toàn thực phẩm; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với Chi cục ATVSTP tỉnh điều tra, xác minh vụ việc; tiến hành lấy 7 mẫu thực phẩm của ngày 1/10/2020 gửi Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Mẫu lưu của ngày 30/9/2020 không lấy được do nhà trường đã hủy để lưu mẫu ngày hôm sau.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu phục vụ công tác điều tra sự cố về ATTP từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy có 4/7 mẫu thực phẩm lấy tại các bữa ăn ngày 1/10/2020 của trường có kết quả nhiễm 2 loại vi sinh là E.Coli và Coliforms (rau bắp cải nấu canh, khoai tây xào, chả lợn, canh rau ngót).
Theo lý giải của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai: Coliforms là loại vi khuẩn có thể thấy ở môi trường đất, nước, chất thải động vật. Mặc dù bản thân coliform không phải là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng nhưng sự hiện diện của chúng được sử dụng để chỉ ra rằng các sinh vật gây bệnh khác có nguồn gốc từ phân có thể tồn tại.
Còn E.Coli hay còn gọi là trực khuẩn lị, kí sinh trong ruột già của người và động vật, có thể được tìm thấy ở trong môi trường đất, nước, thực phẩm… có những loài vô hại nhưng lại có những loài có thể gây ngộ độc thức ăn và các bệnh về đường ruột.
Việc một số thực phẩm bị nhiễm các loại vi sinh nói trên có thể do môi trường chế biến, các dụng cụ chứa đựng, chia gắp không đảm bảo vệ sinh hoặc bàn tay người chế biến không sạch sẽ gây nên vụ ngộ độc thực phẩm.
Dựa vào kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và các căn cứ đã xác minh của cơ quan chức năng, UBND huyện Bảo Yên đã xác định: Bữa ăn trưa ngày 1/10 là bữa ăn nguyên nhân; rau bắp cải nấu canh là thức ăn nguyên nhân; căn nguyên dẫn đến ngộ độc là do thức ăn nhiễm vi sinh vật E.Coli và Coliforms.
Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai cũng chỉ ra: Công tác báo cáo vụ việc của Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên còn chậm, chưa kịp thời dẫn đến việc phối hợp và chỉ đạo của Chi cục gặp khó khăn.
Mặt khác, kiến thức của cán bộ Trung tâm và Trạm Y tế về đặc điểm dịch tễ của các loại ngộ độc thực phẩm còn hạn chế dẫn đến việc nhận định nguyên nhân vụ việc còn lúng túng; kĩ năng tổ chức điều tra, xử trí vụ ngộ độc đông người chưa đáp ứng được thực tế; chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm khi xảy ra các sự cố...
Tăng cường đảm bảo VSATTP trong trường học
Trao đổi cùng Báo GD&TĐ, ông Bùi Minh Tuân – Trường phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên cho biết: Ngay sau khi có kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm Phòng GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo quyết liệt trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các nhà trường.
Theo đó yêu cầu các trường cần có kế hoạch xây dựng bếp ăn tập thể được công nhận đảm bảo VSATTP trong năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo. Thực hiện nghiêm các qui định về VSATTP tại các bếp ăn tập thể của đơn vị, không để hiện tượng ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Mặt khác, các trường phải đảm bảo điều kiện chế biến và tổ chức bữa ăn tập thể cho trẻ và HS như: Thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác bán trú; quy định trách nhiệm cụ thể cho tổ, cô nuôi trẻ và người phụ trách bán trú; phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Hằng ngày, phân công lãnh đạo nhà trường trực bán trú, phân công người giao nhận thực phẩm, kiểm soát hóa đơn, giấy tờ kiểm dịch…, kiểm tra chất lượng, định lượng thực phẩm tươi sống, giám sát khâu chế biến, chia, cấp phát thức ăn, lưu mẫu thức ăn...
Các nhà trường cần thực hiện công tác tự kiểm tra hàng tuần, hàng tháng ghi chép đầy đủ biên bản kiểm tra. Định kỳ tổ chức họp BCĐ và các Tổ phục vụ bán trú (nuôi dưỡng) để trao đổi, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, phải lựa chọn nơi, nguồn cung cấp thực phẩm an toàn có nguồn gốc rõ ràng. Thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ khi mua bán thực phẩm, thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng theo chuỗi, 100% các trường phải cam kết có bếp ăn tập thể thực hiện đúng các quy định về VSATTP và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tuyệt đối không để học sinh uống nước lã, nước chưa qua đun sôi để nguội hoặc nước không đảm bảo vệ sinh; thường xuyên kiểm tra, thay thế các quả lọc của các máy lọc nước trong đơn vị.
Thường xuyên phối hợp với cơ quan y tế thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn, sát khuẩn, tiêu diệt mầm bệnh ở nguồn nước sinh hoạt, kho chứa thực phẩm, nơi chế biến, trong và ngoài lớp học trong trường...
Ông Bùi Minh Tuân nhấn mạnh: Sắp tới Phòng GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP định kỳ, đột xuất trong năm học đối với các bếp ăn tại các trường để đảm bảo VSATTP tối đa cho các bữa ăn của HS trong quá trình sinh hoạt tại trường.