Xác định hành vi phù hợp, xử phạt hành chính tương xứng

Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (Dự thảo). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, cần xác định các hành vi vi phạm phù hợp và hình thức xử phạt tương xứng với tính chất vi phạm.

Theo khoản 1, Điều 2, Luật xử lý vi phạm hành chính, “vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và phải bị xử phạt hành chính”. Như vậy, các hành vi vi phạm hành chính chỉ được xác định trong mối quan hệ hành chính (quản lý nhà nước), còn các hành vi vi phạm trong mối quan hệ tư thì được loại trừ khỏi các văn bản xử phạt này. Theo nhận định của VCCI, một số quy định xác định hành vi vi phạm trong Dự thảo chưa thể hiện rõ tinh thần nêu trên.

Chẳng hạn, liên quan đến vi phạm về đăng ký, mua, bán xăng dầu theo hệ thống phân phối (khoản 4, Điều 1 Dự thảo, sửa đổi điểm a, khoản 2, Điều 19 Nghị định 67/2017/NĐ-CP), Dự thảo quy định, xử phạt đối với “tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, trừ trường hợp bán trực tiếp cho người tiêu dùng”. Theo VCCI, mối quan hệ của tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được xác lập trên cơ sở hợp đồng. Các chủ thể này thực hiện các hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối là vi phạm về những thỏa thuận ràng buộc trong hợp đồng. Xét trong mối quan hệ hành chính, ít nhận thấy rủi ro đối với cơ quan quản lý nhà nước, xác định đây là hành vi vi phạm hành chính là chưa phù hợp.

Kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa

Kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa

Đối với nội dung sửa đổi quy định vi phạm về sản xuất, chế biến LPG (khoản 19, Điều 1, Dự thảo), Dự thảo xử phạt đối với hành vi “không thông báo bằng văn bản tới các đơn vị trong hệ thống phân phối khi có sự thay đổi về giá bán LPG” (điểm b, khoản 1, Điều 41 sửa đổi Nghị định 67). Mặc dù theo quy định hiện hành thì thương nhân sản xuất, chế biến LPG phải có nghĩa vụ thông báo, nhưng đây là tính chất quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể trong hệ thống phân phối, ít tác động đến mối quan hệ với cơ quan nhà nước. VCCI cho rằng, chỉ nên xử phạt đối với hành vi không thông báo với Sở Công Thương, Sở Tài chính.

Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định xử phạt đối với các vi phạm về điều kiện kinh doanh khí. Tuy nhiên, hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động có thời hạn” lại được áp dụng không nhất quán. Chẳng hạn, vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí (khoản 7, Điều 1, Dự thảo bổ sung Điều 35a Nghị định 67/2019/NĐ-CP) hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến LPG” có thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng hoặc từ 3 tháng đến 6 tháng. Quy định này là hợp lý, bởi đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, các thương nhân bắt buộc phải đáp ứng và duy trì các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động của mình. Nếu không đáp ứng điều kiện kinh doanh đồng nghĩa không được phép tiếp tục hoạt động ngành, nghề đó nữa. Hình thức xử phạt “đình chỉ hoạt động” có thời hạn là phù hợp.

Mặc dù vậy, VCCI cho biết, một số vi phạm về điều kiện hoạt động kinh doanh khí khác trong Dự thảo lại không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung trên. Ví dụ, vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG (khoản 6, Điều 1 Dự thảo); vi phạm quy định về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán LPG (khoản 8, Điều 1 Dự thảo); vi phạm quy định về điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai (khoản 9, Điều 1 Dự thảo)… VCCI cho rằng, cần thống nhất về hình thức xử phạt bổ sung ở tất cả các vi phạm về điều kiện kinh doanh.

Tại Dự thảo, cùng là vi phạm liên quan đến giấy phép kinh doanh (sử dụng giấy phép bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo) nhưng khung phạt tiền lại khác nhau. Ví dụ, sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán CNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng (điểm b, khoản 1, Điều 57); sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu CNG bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo (điểm bg, khoản 2g, Điều 57) bị phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng; sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo bị phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng (điểm bg, khoản 2g, Điều 58)… Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý của chính sách, VCCI cho rằng, Ban soạn thảo cần giải trình về các mức phạt khác biệt này đối với hành vi sử dụng giấy phép kinh doanh bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xac-dinh-hanh-vi-phu-hop-xu-phat-hanh-chinh-tuong-xung-123597.html