Xác định lối thoát khi hỏa hoạn ở các nhà chung cư, cao tầng

Để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết chúng ta phải xác định được lối ra an toàn để thoát khỏi căn nhà đang cháy.

Ở các nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng thì các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt). Khi xảy ra sự cố cháy trong các công trình cao tầng, để thoát nạn an toàn mọi người cần chú ý đến một số vấn đề sau:

- Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn, người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn (Hình 3a). Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài) sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu “EXIT” (Hình 3b), khi vào buồng thang, mọi người sẽ di chuyển xuống dưới và ra nơi an toàn.

 Hình 3. Biển dẫn lối đến vị trí vào thang thoát nạn.

Hình 3. Biển dẫn lối đến vị trí vào thang thoát nạn.

 Hình 4. Không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn.

Hình 4. Không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn.

- Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thoát nạn, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày mọi người tuyệt đối không để các vật dụng che, chắn trên hành lang và cửa vào buồng thang thoát nạn vì khi xảy ra sự cố cháy các vật dụng này sẽ cản trở khả năng thoát nạn của dòng người.

Đồng thời, tuyệt đối không được chèn các vật dụng làm cho cửa vào buồng thang thoát nạn bị hở với bất cứ lý do gì (Hình 4). Vì nếu cửa vào buồng thang bị hở, khi có sự cố cháy xảy ra sẽ làm khói xông vào buồng thang và mọi người không thể thoát nạn qua buồng thang đó được. Hơn nữa, khói từ đám cháy sẽ đi qua các cửa thoát nạn và lan vào các căn hộ ở các tầng khác gây nguy hiểm đến tính mạng mọi người.

Hình 5. Chỉ sử dụng thang bộ để thoát nạn.

Hình 5. Chỉ sử dụng thang bộ để thoát nạn.

- Để thoát nạn an toàn, mọi người chỉ được dùng thang bộ (Hình 5a), tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn (Hình 5b), bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

- Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy và kịp thời thoát nạn (Hình 6).

 Hình 6. Thông báo cho mọi người xung quanh, nhấn nút báo cháy khẩn cấp.

Hình 6. Thông báo cho mọi người xung quanh, nhấn nút báo cháy khẩn cấp.

- Trong quá trình thoát nạn, mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai (Hình 7). Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.

 Hình 7. Hỗ trợ nhau khi thoát nạn bằng thang bộ.

Hình 7. Hỗ trợ nhau khi thoát nạn bằng thang bộ.

- Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì hãy nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ.

Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn (Hình 8).

 Hình 8. Di chuyển và ra tín hiệu yêu cầu cứu nạn.

Hình 8. Di chuyển và ra tín hiệu yêu cầu cứu nạn.

- Trong tất cả các trường hợp, tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ triển khai phía dưới (Hình 9).

 Hình 9. Không nhảy từ trên cao xuống khi chưa đảm bảo an toàn.

Hình 9. Không nhảy từ trên cao xuống khi chưa đảm bảo an toàn.

Lưu ý: Biện pháp nhảy từ trên cao xuống để thoát nạn chỉ thực hiện khi đã được đảm bảo các điều kiện an toàn với việc lực lượng Cảnh sát PCCC triển khai đệm hơi hoặc căng bạt cứu hộ. Tuy nhiên, đây là giải pháp cuối cùng được áp dụng khi không còn phương án thoát nạn nào khác.

Nguyễn Minh Khương/Thaihabooks/NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/xac-dinh-loi-thoat-khi-hoa-hoan-o-cac-nha-chung-cu-cao-tang-post1481599.html