Xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm thế nào?
Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ công chức. Một số ý kiến cho rằng, Bộ Nội vụ nên quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về nguyên tắc xác định cơ cấu ngạch công chức, xác định ngạch công chức theo vị trí việc làm và chuyên ngành.
Theo ý kiến của bà Vũ Thị Xuân Lộc, Khoản 3 Điều 2 dự thảo Thông tư quy định việc xác định cơ cấu ngạch công chức phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ quy định về ngạch công chức hành chính cao nhất được áp dụng trong từng cấp hành chính hoặc từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định ngạch công chức hành chính cao nhất được áp dụng trong từng cấp hành chính hoặc từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Một số văn bản của Đảng có nội dung trên, tuy nhiên, chưa đầy đủ và chưa bảo đảm cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thực hiện. Bà Lộc đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, quy định rõ làm cơ sở cho địa phương thực hiện.
Điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, biên chế công chức quy định việc xác định vị trí việc làm, bao gồm: Bản mô tả công việc, khung năng lực, ngạch công chức đối với từng vị trí việc làm. Tuy nhiên, căn cứ Khoản 10 Điều 17 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền quyết định cơ cấu ngạch công chức thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ.
Như vậy, sau khi Bộ Nội vụ phê duyệt cơ cấu ngạch thì địa phương mới đủ cơ sở để phê duyệt vị trí việc làm theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 2 dự thảo Thông tư quy định việc xác định cơ cấu ngạch công chức phải bảo đảm nguyên tắc căn cứ vào danh mục vị trí việc làm được phê duyệt, bà Lộc đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn rõ nội dung trên.
Ngoài ra, về cơ sở xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm, Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 dự thảo Thông tư quy định việc xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn về vị trí việc làm của Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên đến nay Bộ Nội vụ và các bộ ngành chưa ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.
Mức độ nhiệm vụ, công việc cần tương ứng ngạch công chức
Ông Đồng Tiến Quân (Cà Mau) thì cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể mức độ nhiệm vụ, công việc gắn với trình độ chuyên môn đúng với vị trí việc làm theo ngạch công chức: Chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên và cán sự. Bởi lẽ, hiện nay các đơn vị có ngạch công chức chuyên viên chính nhưng giao nhiệm vụ như chuyên viên hoặc không tham mưu văn bản theo đúng ngạch chuyên viên chính quy định.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Bộ (Quảng Nam) đề xuất, cần bổ sung tính nâng cao giá trị các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính vì chuyên viên chính thực hiện nhiệm vụ chưa đúng giá trị chuyên viên chính; nên quy định cụ thể trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động theo đúng nhiệm vụ của chuyên viên chính, tránh trường hợp chuyên viên chính trong một đơn vị nhỏ lại nhiều hơn chuyên viên nhưng lại làm nhiệm vụ như chuyên viên, thậm chí làm cấp dưới cho chuyên viên trong việc bổ nhiệm, luân chuyển.
Quan tâm đến vị trí việc làm của công chức khoa học kỹ thuật, theo ý kiến của ông Dương Viết Huy (Hà Nội), hiện nay, nhiều bộ ngành có công chức tham mưu về hoạt động ứng dụng công nghệ (ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao...) nhưng đây không phải là lĩnh vực chính của Bộ đó (ví dụ Hội Phụ nữ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao...). Vậy việc xác định ngạch công chức chuyên ngành sẽ do Bộ Nội vụ hay Bộ Chủ quản hay Bộ quản lý chuyên ngành đó (ví dụ: Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ) quy định? Điều này cần phải được thống nhất và làm rõ. Đối với cơ cấu ngạch đó, ông Huy đề nghị nghiên cứu mức độ các ngạch (ví dụ thay vì Chuyên viên chính thành Kỹ sư chính,...).
Theo dự thảo, nguyên tắc xác định cơ cấu ngạch công chức là vị trí việc làm được xác định tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức. Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, số lượng ngạch và cơ cấu ngạch công chức, dự thảo Thông tư quy định 3 nguyên tắc xác định cơ cấu ngạch công chức phải phù hợp với quy định về: (1) tiêu chuẩn ngạch công chức; (2) quy định về ngạch công chức hành chính cao nhất được áp dụng trong từng cấp hành chính hoặc từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bên cạnh việc quy định nguyên tắc xác định cơ cấu ngạch công chức, dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn: Xác định mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm; xác định ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm;...