Xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn kinh hoàng của trực thăng chở Kobe Bryant
Mới đây, Ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) công bố chiếc trực thăng Sikorsky S76B của cố huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant không có hộp đen. Thời điểm chiếc trực thăng cất cánh có sương mù dày đặc là nguyên nhân chính diễn ra tai nạn thảm khốc.
Vụ việc huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant và cô con gái nhỏ Gianna Bryant 13 tuổi đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng kinh hoàng tại thành phố Calabasas đã khiến cả thế giới bàng hoàng trong tháng đầu tiên của năm mới 2020. Tính đến trưa ngày 28/1 số người tử vong được xác định là 9.
Thông tin từ đài CNN, số nạn nhân thiệt mạng trên chiếc máy bay trực thăng cá nhân hiện nay được xác nhận là 9 người. Danh tính của người thiệt mạng trên chuyến bay tử thần này cũng đã được xác định, trong đó có Kobe Bryant, con gái 13 tuổi của anh Gianna Bryant, phi công, John Altobelli - huấn luyện viên 56 tuổi của đội bóng chày trường Đại học Cao đẳng Orange Coast (OCC) cùng vợ của anh - Keri Altobelli và con gái Alyssa Altobelli. Anh trai của John Altobelli - Tony Altobelli đã xác nhận thông tin này với CNN.
Ngay lập tức, Ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) đã tiến hành điều tra vụ việc. trực thăng của huyền thoại quá cố Kobe Bryant khởi hành vào lúc 9h sáng ngày 26/1 (theo giờ địa phương) từ sân bay John Wayne đến quận Cam, bang California (Mỹ) và bị rơi tại sườn đồi ở thành phố Calabasas, 30 dặm về phía Tây Bắc của trung tâm thành phố Los Angeles vào lúc 10h sáng.
Đại diện phía cảnh sát cho biết, chiếc trực thăng Sikorsky S-76B của cố huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant không có hộp đen ghi lại dữ liệu chuyến bay cũng như thiết bị ghi âm (không bắt buộc). Tuy nhiên có một chiếc Ipad được sử dụng cho hành trình bay cũng như xem xét điều kiện thời tiết và các yếu tố chuyến bay khác.
Điều này sẽ khiến việc điều tra gặp nhiều khó khăn vì sẽ không thể xác định rõ ràng những gì xảy ra trên chiếc trực thăng lúc xảy ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên viên điều tra, chiếc trực thăng cất cánh vào thời điểm điều kiện thời tiết không thuận lợi. Bầu trời Los Angeles khi đó có sương mù vô cùng dày đặc.
Sáng ngày 28/1, một nhân chứng có mặt ở hiện trường lúc máy bay trực thăng của huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant rơi xuống mặt đất đã cung cấp những bức ảnh có một không hai về vụ tai nạn. Anh này nhìn thấy gần như toàn bộ thảm kịch cướp đi mạng sống của Kobe và con gái, không ngại lao vào tìm kiếm người sống sót nhưng vì mọi thứ diễn ra quá nhanh nên hoàn toàn bất lực.
"Tôi đang đạp xe đường trường thì nghe thấy tiếng cánh quạt gần mặt đất. Lúc đó từ trong màn sương mù bỗng xuất hiện một chiếc trực thăng, nó rơi xuống khu vực cách tôi khoảng 60 mét", nhân chứng kể lại.
"Tôi có thể cảm nhận rõ những luồng gió cực mạnh xuất phát từ cánh quạt của trực thăng, sau đó thì một quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện. Cửa của chiếc trực thăng bắn ra, rơi cách chúng tôi khoảng 4 mét. Khi tôi đến nơi thì mọi thứ đã tan tành".
Nhân chứng kể lại với The Sun khẳng định rằng anh và một người bạn đang đạp xe leo núi thì tình cờ bắt gặp vụ tai nạn. Dù lo sợ sẽ gặp nguy hiểm nhưng họ vẫn tiến gần để tìm kiếm những người may mắn sống sót.
"Chúng tôi lao nhanh đến khu vực máy bay rơi và phát nổ để tìm kiếm người sống sót nhưng vô vọng. Cả 2 quyết định ở lại cho đến khi lực lượng cứu hộ xuất hiện nhưng phải đến khi xuống núi mới biết rằng trong chiếc trực thăng đó có Kobe Bryant và con gái".
Phi công người đã lái chiếc trực thăng của Kobe Bryant hôm xảy ra sự việc là Aza Zobayan, một phi công kỳ cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm. Anh đã cố gắng liên lạc với Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Burbank vào khoảng 9h30 phút trong cố gắng hủy bỏ chuyến đi và trở về nhà.
Theo The Times, đường truyền tín hiệu đã không thể kết nối với địa điểm để chiếc trực thăng có thể hạ cánh. Sau đó chiếc Sikorsky S-76B đã bay vòng vòng trong 15 phút liên tục với tầm nhìn hạn chế.
Được sự trợ giúp từ phía sân bay, chiếc trực thăng chuyển hướng đi lên phía Bắc, trước khi rẽ sang phía Tây theo hướng cao tốc 101 phía trên Woodland Hills. Khoảng 9h40, viên phi công này tiếp tục chuyển hướng về phía Nam, nơi có dãy núi cao vùng ngoại ô Calabasas.
Mặc dù với thời tiết khó khăn khi đó, viên phi công dày dặn kinh nghiệm vẫn bay với tốc độ gần 300km/h. Theo thiết bị di chuyển trên trực thăng, viên phi công đã có nhiều lần đột ngột nâng và hạ độ cao. Trước khi va chạm vào lúc 9h45, chiếc trực thăng được cho biết đang bay ở dưới độ cao 520m.
Khi thông tin được công bố, một số chia sẻ từ các phi công khác cho biết đáng lý với thời tiết khó khăn khi đó nên bay với tốc độ chỉ ở 30km/h với khu vực địa hình không chắc chắn. Với tốc độ cao ở thời điểm đó, việc tránh dãy núi hiện ra trước mặt đột ngột là điều vô cùng khó khăn và đó cũng là thời điểm vụ tai nạn thương tâm trên diễn ra.
Ở thời điểm hiện tại, phía cảnh sát Los Angeles cũng như NTSB vẫn đang cố gắng điều tra thêm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Theo The Sun, lực lượng cứu hộ đã phát hiện được 3 thi thể tính đến thời điểm hiện tại nhưng chưa thể xác minh là của ai trong 9 người xấu số.