Xác định nguyên nhân gần 1.000 tấn cá nuôi lồng ở Hải Dương chết hàng loạt
Cơ quan chức năng xác định, hơn 954 tấn cá nuôi lồng tại 8 huyện/thị/thành trên địa bàn tỉnh Hải Dương chết hàng loạt do hàm lượng oxy trong nước rất thấp, hàm lượng khí độc (NH4, NO2), chì, thủy ngân cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép.
Ngày 12/4, bà Phạm Thị Đào – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa hoàn tất thống kê sơ bộ về hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt xảy ra tại 3 hệ thống sông Thái Bình, sông Kinh Thầy và sông Luộc trên địa bàn.
Theo đó, cuối tháng 3, người dân nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, đoạn qua phường Tiền Tiến (TP Hải Dương) phát hiện tình trạng cá chết rải rác, hiện tượng cá lờ đờ, bị ngạt nhao lên mặt nước. Sau đó, tình trạng này liên tiếp xuất hiện ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương), các xã ở TP Chí Linh, các huyện: Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà.
Từ 30/3 đến 8/4, cá nuôi lồng chết hàng loạt tại xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) và chết nhiều ở các xã thuộc 8 huyện: Thanh Hà, Nam Sách, Tứ Kỳ, Chí Linh, Ninh Giang, Kinh Môn, Cẩm Giàng, Kim Thành. Đến ngày 9/4, lượng cá chết mới có dấu hiệu giảm mạnh.
Theo thống kê, tổng lượng cá chết các các huyện/thị/thành ước tính hơn 954 tấn. Kết quả kiểm tra nhanh mẫu nước tại các điểm nuôi cá lồng chết trên 3 hệ thống sông cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hoặc rất thấp. Trong khi đó, hàm lượng khí độc (NH4, NO2) rất cao so với quy chuẩn.
Kết quả kiểm tra lâm sàng và mổ khám các mẫu cá không quan sát thấy triệu chứng, bệnh tích của bệnh truyền nhiễm trên cá.
Bà Phạm Thị Đào thông tin, các đơn vị chuyên môn nhận định nguyên nhân cá chết do thiếu oxy, không phải do yếu tố bệnh dịch. Các đơn vị chuyên môn cũng khuyến cáo, hướng dẫn, hỗ trợ bà con tăng cường các biện pháp tạo oxy (sục khí, đảo nước, vệ sinh lồng nuôi…) và tăng cường phòng bệnh cho cá. Đồng thời, giảm mật độ cá nuôi lồng, tập trung thu gom, xử lý tiêu hủy cá chết, không phát tán ra môi trường gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh.
Sở cũng đã đề nghị UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ xác định nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước; tăng cường quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước tại các tuyến sông, nhất là khu vực đầu nguồn để cảnh báo sớm.