Xác định nguyên nhân khiến cả nhà phải nhập viện đêm 29 Tết sau khi ăn lá cây
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, cơ quan này đã xác định được nguyên nhân một gia đình sống trên địa bàn ăn lá cây lạ phải nhập viện cấp cứu trong đêm 29 Tết.
Liên quan đến việc anh Lương Văn Ọt (trú tại Kon Tum) cùng vợ và chị gái phải nhập viện vào đêm 29 Tết sau khi ăn nắm lá cây lạ do hàng xóm cho, ông Đỗ Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết đã xác định được nguyên nhân gây ra sự việc trên.
Trên VietnamNet, ông Đỗ Ngọc Hòa thông tin, bước đầu cơ quan chức năng xác định anh Ọt cùng vợ và chị gái ăn nhằm phải lá thương lục, dân gian còn gọi là sâm voi.
"Củ của cây thương lục to bằng cổ tay, rất giống củ sâm và có tác dụng chữa bệnh trong Đông y nhưng cũng có độc tính. Bà con không nên dùng các loại lá, cây, rau rừng... chưa qua kiểm chứng tránh gây hậu quả đáng tiếc", ông Hòa cho biết.
Như truyền thông đưa tin, chiều tối ngày 19/1, anh Lương Văn Ọt được người hàng xóm cho một nắm lá rừng lạ để về ăn. Gia đình anh Ọt gọi thêm chị gái là bà Lương Thị Hường sang để dùng cơm với gia đình. Trong bữa cơm, mỗi người đều ăn thử khoảng 4-5 lá tươi cuốn với thịt heo.
Khoảng 2 tiếng sau khi ăn, cả 3 người có các triệu chứng đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, sau đó mệt mỏi, nhức đầu. Đặc biệt, anh Ọt còn có triệu chứng tức ngực, khó thở. Các bệnh nhân được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Bờ Y cấp cứu.
Sau khi sơ cứu, các bệnh nhân được lên Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hồi điều trị. Đến khoảng 6h ngày 20/1, tình hình sức khỏe của 3 trường hợp này đã ổn định nên được xuất viện về nhà.
Theo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum, các trường hợp ngộ độc trên "không phải là ngộ độc thực phẩm" mà ngộ độc do lá thương lục.
Cơ quan chức năng đã tuyên truyền các gia đình không sử dụng loài thực vật không rõ nguồn gốc, không thử hay ăn lá, rễ, thân cây lạ, đặc biệt không trồng, không ăn cây thương lục.
Theo ghi nhận, cây thương lục được sử dụng trong Đông y để cải thiện triệu chứng xơ gan cổ trướng, giúp thông đại tiểu tiên... Tuy nhiên, trong thành phần của cây thương lục có độc tính nên bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi dùng dược liệu này.
Theo các sách Đông y, thương lục là loài cây có độc ở mọi bộ phận (nghiên cứu hiện đại cho thấy chất độc là phytolaccatoxin). Khi cơ thể hấp thụ lượng lớn chất độc này sẽ có biểu hiện tê môi và lưỡi, vã mồ hôi, đau bụng, giãn đồng tử, tăng tiết đờm, co giật, nôn mửa, tụt huyết áp, liệt hô hấp, hôn mê, tim đập nhanh, nói lảm nhảm, tinh thần hoảng hốt... Thậm chí, nếu không kịp thời cấp cứu thì bệnh nhân có thể tử vong.
Người dân thường nhầm lẫn rễ thương lục với nhân sâm. Do đó, người dùng cần đặc biệt lưu ý, tìm hiểu nguồn gốc của dược liệu kỹ càng trước khi sử dụng.